10:09, 13/09/2017

Nhà thơ Thanh Tùng: Đã đi hết "những ngày đắm say"!

"Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ", những câu hát ấy của ca khúc Thời hoa đỏ (thơ Thanh Tùng, nhạc Nguyễn Đình Bảng) đã in dấu trong lòng công chúng. 

“Mỗi mùa hoa đỏ về/Hoa như mưa rơi rơi/Cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/Như máu ứa một thời trai trẻ”, những câu hát ấy của ca khúc Thời hoa đỏ (thơ Thanh Tùng, nhạc Nguyễn Đình Bảng) đã in dấu trong lòng công chúng.

 

Tối 12-9, nhà thơ Thanh Tùng - tác giả của những vần thơ rưng rức, cháy bỏng tình yêu ấy đã qua đời tại nhà riêng ở TP. Hồ Chí Minh sau gần 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày.

 

Nhà thơ Thanh Tùng (tên thật là Doãn Tùng, sinh năm 1935) quê ở Nam Định nhưng lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng. Trước khi đến với thơ, ông làm nhiều nghề, từ khuân vác đến công nhân nhà máy đóng tàu, bán sách vỉa hè. Trong bài thơ Hải Phòng - Muối của đời tôi, ông viết: “Tôi làm thơ từ sau xe bò chở gạch/ Đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm”. Bàn tay người thợ thô ráp, nhưng tâm hồn của Thanh Tùng lại phóng túng, nghệ sĩ như ngọn gió của đất cảng Hải Phòng. Cũng chính vì “mải mê về một màu mây xa”, ông đã không giữ được người vợ mà mình hết mực yêu thương. Ngày bà bỏ đi theo người khác, Thanh Tùng đã buồn bã bỏ nghề công nhân đóng tàu sang bán sách ở vỉa hè. Năm 1973, sau nghe tin vợ cũ qua đời, nhà thơ tức tốc xuống Quảng Ninh để tiễn đưa. Nỗi bi thương, tiếc nuối trong lòng thi sĩ đã kết tinh thành Thời hoa đỏ mang đậm chất tự sự: “Sau bài hát rồi em lặng im/Cái lặng im rực màu hoa đỏ/…/Sau bài hát rồi em như thể/Em của thời hoa đỏ ngày xưa/Sau bài hát rồi anh cũng thế/Anh của thời trai trẻ ngày xưa”. Tình yêu một thuở chỉ còn chứng nhân là màu hoa đỏ - màu lưu giữ kỷ niệm, ký ức về một lần lãng mạn trong đời. “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/Em không đi hết những ngày đắm say”, nhà thơ không hề oán trách mà chỉ có nuối tiếc. Tất cả đã thuộc về quá khứ, là câu chuyện buồn của ngày hôm qua. Năm 1989, trong một lần đi dự trại sáng tác âm nhạc ở Liên Xô (cũ), nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng vô tình bắt gặp bài thơ này trong tập thơ tình và đã phổ nhạc. Nhạc chắp cánh cho thơ, Thời hoa đỏ ngày càng bay xa.

 

 

 

Bản tính nghệ sĩ, nhà thơ Thanh Tùng rất thích rong chơi đó đây. Sống ở Hải Phòng nhưng ông rất nặng tình với Hà Nội. Trong bài thơ Hà Nội mà nhạc sĩ Phú Quang đã chắt lọc để phổ nhạc thành ca khúc Hà Nội ngày trở về, Thanh Tùng có những câu thơ: “Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy”. Mỗi khi hồn xác xơ, nhà thơ lại “vội vã trở về”, để rồi: “Tôi rung lên mỗi khi chạm bóng cửa ô/Như được chạm vào vai gầy áo mẹ”. “Vội vã trở về vội vã ra đi” đã trở thành cái tứ để Phú Quang khai triển thành một ca khúc đầy chất thơ, day dứt lòng người. Năm 1995, ông lập gia đình lần thứ hai rồi vào định cư ở TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, ông có dịp đến với nhiều vùng đất mới, ở đâu ông cũng để lại những vần thơ nồng nàn. Đến Huế, thi sĩ thấy “Sông Hương đang chảy vào tôi”. Đến Nha Trang, ông say từng cơn sóng: “Em quăng cho con sóng/Lẽ nào tôi không biển/Em ném cho sợi buồn/Lẽ nào không sương khói/chỉ một chớp hôn thôi/Thì đã Nha Trang rồi”. Với miền Nam, ông viết cả một trường ca để cảm tạ mảnh đất phương Nam đã nuôi dưỡng một đoạn đời thơ của ông. Năm 1997, được đi dự Liên hoan thơ ở Hy Lạp, ông đã viết những câu thơ đầy kiêu hãnh: “Tôi đã ở ngoài vòng tay Tổ quốc/Bây giờ tôi phải là tất cả/Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những anh hùng/Như người thủy thủ sắp ra khơi, kiểm tra lại phần nước ngọt/Tôi hát thầm bài Tiến quân ca”. Chỉ cần đoạn thơ ấy thôi, Thanh Tùng đã hoàn thành sứ mệnh công dân - thi sĩ của mình.  


Cuộc đời của Thanh Tùng chỉ có thơ và bạn, làm thơ và yêu thơ một cách thành thật gần như đến si mê. Những ngày khốn khó nhất ông đã “vịn câu thơ mà đứng dậy”. Cuối đời, thi sĩ từng thổ lộ: “Tình yêu thơ là tình yêu bất hủ, có như thế tôi mới là nhà thơ, khi sáng tác những vần thơ hay, ngâm nga nó tôi cảm thấy tâm hồn mình thơ thới, bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến chỉ còn ta với nàng thơ bất hủ”. Không như cuộc tình dang dở trong Thời hoa đỏ, Thanh Tùng đã “đi hết một thời đắm say” với thơ - tình yêu lớn nhất của ông. Giờ đây, linh hồn ông chắc đang phiêu lãng với trời thu Hà Nội như câu thơ ông viết thuở nào: “Một mặt lá mùa hè còn níu ở/Mặt kia thoáng đã thu đầy/Ta xanh lại trong ta từng hơi thở/Khi chạm vào thảng thốt heo may”.


THÀNH NGUYỄN