10:08, 11/08/2017

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh: Khoảng trống thế hệ

Dân gian có câu: "Thầy đồ già, con hát trẻ", nhưng hiện nay, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa lại đang thiếu hụt những diễn viên trẻ có tài năng.

 

Dân gian có câu: “Thầy đồ già, con hát trẻ”, nhưng hiện nay, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa lại đang thiếu hụt những diễn viên trẻ có tài năng.


Nhà hát NTTT tỉnh từng có nhiều thế hệ diễn viên tài năng. Ở thế hệ đầu, có thể kể đến các nghệ sĩ: Thu Hà, Kim Hùng, Bạch Én (tuồng), Hoàng Minh Tâm, Thanh Bình (dân ca kịch)… Thế hệ kế tiếp có thể kể đến như: Nhật Lệ, Bích Thủy, Bích Vương, Ái Ly. Trẻ hơn chút nữa có thể nhắc đến: Ngọc Tâm, Vy Phương, Thu Đông. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà hát NTTT tỉnh đang thiếu những nghệ sĩ trẻ “có nghề”, được khán giả nhớ mặt biết tên như thế hệ trước. Những gương mặt như: Thúy Thoa, Lưu Vũ chỉ là những cánh én đơn lẻ, không làm bật lên sức sống của một thế hệ diễn viên mới. Sự hụt hẫng về thế hệ kế cận đã khiến Nhà hát NTTT tỉnh gặp khá nhiều khó khăn trong việc dựng vở diễn.

 

Lưu  Vũ - một trong số ít gương mặt diễn viên trẻ nổi bật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh

Lưu Vũ - một trong số ít gương mặt diễn viên trẻ nổi bật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh


Theo NSND Hoài Huệ (tỉnh Bình Định), người từng nhiều lần dựng vở cho Nhà hát NTTT tỉnh, độ vênh về khả năng biểu diễn giữa lớp nghệ sĩ gạo cội với lứa diễn viên trẻ của Khánh Hòa khá lớn. Thế nên, khi dựng vở, nhất là những vở đi thi hội diễn, ê-kíp dàn dựng không dám giao vai cho các diễn viên trẻ. Điều này vô tình làm mất đi cơ hội rèn nghề cho các diễn viên trẻ, lại càng làm họ ít có cơ hội phát triển. Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức nhận xét, lớp nghệ sĩ lớn tuổi biểu diễn rất có hồn, động tác vũ đạo, thần thái nhân vật “ăn đứt” lớp trẻ. Có được điều này là bởi họ lớn lên trong thời sân khấu truyền thống còn vàng son, bản thân họ chịu khó rèn nghề dưới sự kèm cặp của các nghệ sĩ bậc thầy. Trong khi lớp trẻ hiện nay vừa ít cơ hội để diễn, lại ít chịu khó rèn nghề nên không phát triển được.

 

NSƯT Trần Nhật Lệ - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết: Thực trạng thiếu các nghệ sĩ trẻ tài năng diễn ra đã lâu nhưng không dễ để khắc phục. Nhà hát đã nỗ lực rất nhiều trong việc tuyển chọn diễn viên trẻ, tuy nhiên do NTTT bị “mất giá” nên không hút được diễn viên có năng khiếu ở các tỉnh, thành khác. Trong khi đó, việc đào tạo diễn viên NTTT ở trong tỉnh cũng còn nhiều hạn chế nên khi tuyển về cũng khó đảm đương được những vai diễn lớn ghi dấu ấn với khán giả. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều đoàn nghệ thuật trong cả nước. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian gần đây, Nhà hát NTTT tỉnh đã mạnh dạn giao vai cho các diễn viên trẻ khi dựng những vở diễn mới. Điển hình như mới đây, khi dựng vở dân ca kịch Thiên Địa, lãnh đạo nhà hát đã dành các vai diễn chính cho các diễn viên trẻ. “Với những vở diễn không đi thi các liên hoan, hội diễn, chúng tôi sẽ dành vai cho các diễn viên trẻ rèn nghề. Lớp nghệ sĩ tên tuổi chỉ còn đảm nhận vai phụ, làm dàn bao cho lớp trẻ”, ông Lệ nói.

 

Cảnh trong vở dân ca kịch Thiên Địa

Cảnh trong vở dân ca kịch Thiên Địa

 

Trước đây, phần lớn các em tốt nghiệp THPT mới theo học các trường nghệ thuật, khi ra trường đã luống tuổi nên thời gian rèn nghề, đứng trên sân khấu không nhiều. Để khắc phục tình trạng thiếu người làm nghề,  Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh tổ chức khóa đào tạo diễn viên, nhạc trẻ dành cho sân khấu truyền thống. Năm 2016, Sở Văn hóa - Thể thao đã tuyển chọn các học sinh có năng khiếu để gửi đi lớp đào tạo diễn viên, nhạc công tuồng do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh tổ chức. Năm nay, sở tiếp tục tuyển chọn 13 học viên theo lớp diễn viên, nhạc công dân ca. Hy vọng, với cách làm mới này, khi lớp học viên này trở về, Nhà hát NTTT tỉnh sẽ có lớp diễn viên trẻ tài năng để kế tục lớp nghệ sĩ đi trước.


XUÂN THÀNH