Sáng 5-8, một người bạn báo tin họa sĩ Thanh Hồ vừa mất. Dẫu biết ông tuổi cao, bệnh nặng đã lâu nhưng tôi không khỏi thảng thốt. Mới trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông còn đến chung vui ở buổi gặp mặt cuối năm với anh em Báo Khánh Hòa. Vậy mà…
Sáng 5-8, một người bạn báo tin họa sĩ Thanh Hồ vừa mất. Dẫu biết ông tuổi cao, bệnh nặng đã lâu nhưng tôi không khỏi thảng thốt. Mới trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, ông còn đến chung vui ở buổi gặp mặt cuối năm với anh em Báo Khánh Hòa. Vậy mà…
Còn nhớ cuối năm 2005, trong lần cùng Hội Nhà báo tỉnh lên Khánh Sơn tổ chức Hội báo xuân, tôi được làm quen với ông. Với tôi, ông là bậc trưởng thượng nhưng lại rất hòa đồng cùng thế hệ trẻ. Chuyến đi đó, ông tặng cánh trẻ mỗi người một bức ký họa chân dung. Lúc ấy, tôi mới biết, ngoài vẽ tranh, ông còn là bậc thầy về ký họa. Chuyện nối chuyện, tôi biết thêm con đường nghệ thuật của họa sĩ Thanh Hồ - người nghệ sĩ tài hoa của xứ Trầm Hương.
Dòng đời đưa đẩy…
Chuyện rằng, một lần từ quê nhà ra phố, anh thanh niên Lê Thanh (tên thật của họa sĩ Thanh Hồ, sinh năm 1937 tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) lạc bước đến tiệm vẽ của họa sĩ Nguyễn Viết Hậu. Mê mẩn nghề vẽ, ông xin theo học nghề. Sau 5 năm học, ông xin phép thầy ra đi đây đó để học hỏi, trau dồi thêm tay cọ. Dự định vào Sài Gòn nhưng rồi dòng đời đưa đẩy đã khiến ông dừng lại ở Nha Trang và gắn bó luôn với miền đất này cho đến cuối đời.
Ở thành phố biển, khởi đầu, Thanh Hồ xin được chân làm họa sĩ vẽ áp phích cho rạp chiếu bóng Tân Quang. Ngoài giờ làm việc ở rạp phim, ông lao vào sáng tác. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có trong tay hàng chục bức tranh. Năm 1965, họa sĩ Thanh Hồ tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên với gần 70 bức tranh sơn dầu, gây được sự chú ý của công chúng. Tranh của ông thời kỳ này luôn chất chứa nỗi buồn chiến tranh, khao khát hòa bình. Sau triển lãm, ông đã bán được khá nhiều tranh.
Sau năm 1975, ông về làm họa sĩ trình bày ở Tòa soạn Báo Phú Khánh (nay là Báo Khánh Hòa). Làm trình bày báo, nhưng ông vẫn tiếp tục gắn bó với giá vẽ. Càng về sau, tranh của ông càng trong trẻo hơn với những bức tranh chủ đề về biển, quê hương, trong đó nhiều bức đã được chọn triển lãm mỹ thuật toàn quốc, được giải thưởng khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên...
Suốt mấy chục năm theo nghề, ngoài các tác phẩm sơn dầu, Thanh Hồ có cả một gia tài ký họa chân dung. Tôi từng được xem những bức vẽ ông ký họa họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, nhà điêu khắc Đinh Rú, nhà văn Võ Hồng, Đào Xuân Quý, nhạc sĩ Tố Hải, nhạc sĩ Nguyễn Cường... Mỗi người một vẻ nhưng đều toát lên nét đặc trưng qua từng ánh mắt, nụ cười, vầng trán, mái tóc. Theo dòng thời gian, số tranh ký họa chân dung của ông ngày càng nhiều hơn qua những chuyến đi, những lần tao ngộ. Những năm cuối đời, ông đã từng dự định làm triển lãm ký họa chân dung nhưng rồi không hiểu sao lại thôi.
Rong chơi đường trần
Họa sĩ Thanh Hồ công tác tại Báo Khánh Hòa từ năm 1976 - 1998. Ông chính là người đã vẽ măng-sét (trước đây) cho Báo Khánh Hòa. Trước khi ông nghỉ hưu, Báo Khánh Hòa đã tổ chức triển lãm tranh khá lớn cho họa sĩ Thanh Hồ tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin (số 5 đường 2-4 TP. Nha Trang). Những lần Báo Khánh Hòa họp mặt, ông đều đến chung vui vì bước phát triển mới của báo. |
Thanh Hồ là một nghệ sĩ tài hoa, điều đó đã quá rõ. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người yêu mến Thanh Hồ hơn cả chính là tinh thần nghệ sĩ của ông. Bạn bè của ông có đủ khắp trong Nam ngoài Bắc, bất kể sang hèn. Ông là người luôn sống vì bạn, những kỷ niệm của bằng hữu, ông luôn trân trọng gìn giữ. Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh khi cần quyển thơ cũ của mình phải đến ông để mượn lại. Ngay như với người viết bài này, sau lần đầu gặp gỡ ở Khánh Sơn cũng trở nên thân thiết với ông bất chấp khoảng cách thế hệ. Căn nhà 2B Cổ Loa, TP. Nha Trang của ông đã trở nên quen thuộc với tôi. Mỗi khi cần hỏi gì về sinh hoạt văn nghệ ở Nha Trang trước năm 1975, về mỹ thuật… tôi đều tìm đến ông để xin ý kiến.
Giờ đây, họa sĩ Thanh Hồ đã ra đi. Nhớ về ông, tôi lại nhớ đến hình ảnh một người nghệ sĩ tài tử rong chơi trên nẻo đường trần. Ông vẽ tranh, ký họa, làm thơ… đều theo kiểu tài tử. Vẽ rồi tặng luôn, nên rất nhiều bức ký họa của ông đều do bạn bè lưu giữ. Cả một đời sống hết mình cho nghệ thuật, thứ ông giàu nhất chính là tình cảm bạn bè. Mỗi lần đến thăm ông, nhìn phòng vẽ với bộn bề tranh, toan, các phác thảo… tôi cứ hình dung cảnh ông loay hoay trong không gian nhỏ hẹp ấy để tạo nên những bức tranh sống động mà không khỏi xúc động.
Còn nhớ lần gặp gần đây, ông nói với tôi: “Nhớ cây cọ lắm. Nhưng giờ không vẽ được nữa”. Cho đến cuối đời, ông vẫn yêu hội họa như thuở ban đầu. Nếu như năm xưa, ông không bước chân vào tiệm vẽ của họa sĩ Nguyễn Viết Hậu, không biết về sau có một họa sĩ Thanh Hồ? Tất cả nằm ở chữ “duyên”!
THÀNH NGUYỄN