07:07, 26/07/2017

Những mẫu tem tôn vinh thương binh - liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Câu lạc bộ Tem Hoàn Cầu có cuộc hội thảo và trưng bày tem kỷ niệm ngày này. Tại hội thảo, nhà sưu tập tem Ngụy Như Ánh đã giới thiệu quá trình xây dựng bộ tem sưu tập chuyên đề thương binh - liệt sĩ, một chuyên đề ít người làm vì sưu tập tem về đề tài rất hiếm và khó.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Câu lạc bộ Tem Hoàn Cầu có cuộc hội thảo và trưng bày tem kỷ niệm ngày này. Tại hội thảo, nhà sưu tập tem Ngụy Như Ánh đã giới thiệu quá trình xây dựng bộ tem sưu tập chuyên đề thương binh - liệt sĩ, một chuyên đề ít người làm vì sưu tập tem về đề tài rất hiếm và khó.


Tác giả cho biết, bộ sưu tập chuyên đề tem thương binh - liệt sĩ xây dựng gần 3 năm mới có được 4 khung, cũng là 4 chương gồm 44 bộ với gần 50 mẫu tem và nhiều bì thư thực gửi dùng tem thương binh - liệt sĩ. Rất tiếc là không có bì thư ngày đầu tiên (FDC) và bưu ảnh kỷ niệm của bộ tem vì tem thương binh - liệt sĩ không phát hành đặc biệt.


Về nội dung bộ sưu tập tem thương binh - liệt sĩ, tác giả diễn giải thành 4 chương:

 

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” Đài “Vòng tròn bất tử Gạc Ma”
Đài “Vòng tròn bất tử Gạc Ma”


Chương I là lịch sử ra đời của ngày 27-7-1947 và những bộ tem mang biểu trưng của người thương binh. Bộ tem đầu tiên được phát hành ngày 15-8-1958, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế mang hình huy hiệu của người thương binh. Kế đó là bộ tem mang hình huân chương chiến sĩ vẻ vang và 3 bộ tem hình huy hiệu thương binh được phát hành vào các năm: 1963, 1969 và 1976.


Chương II, tác giả trình bày 2 bộ tem có tính tổng quát cao gồm: đài Tổ quốc ghi công, tượng đài “Chiến sĩ cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”; tem Đền tưởng niệm chiến sĩ Bến Dược - Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) phát hành vào các năm 1992, 1997.

 

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”


Chương III, tác giả dành nhiều nội dung diễn giải các mẫu tem về sinh hoạt, lao động sản xuất của các “thương binh tàn nhưng không phế” như: thầy giáo, thợ tiện, thợ khoan, thợ máy bơm nước thủy lợi, đạp nước chống hạn, chăm sóc thiếu nhi… Đó là 9 bộ tem phát hành vào các năm: 1970, 1972, 1975, 1977, 1982, 1984, 1987.


Chương IV, tác giả tôn vinh các anh hùng liệt sĩ qua 11 bộ với 31 mẫu tem mang khí phách của các anh hùng: Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, Kim Đồng, Nguyễn Thị Nghĩa, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân và bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ.


Đoạn kết của bộ sưu tập là tư liệu ảnh về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vừa được khánh thành tại Bắc bán đảo Cam Ranh với bộ bưu ảnh dán tem hoa bàng vuông mang tên “Bàng vuông Trường Sa mãi mãi nở hoa bên các anh chiến sĩ Gạc Ma”.


PHẠM KHÁNH HỒNG