11:07, 28/07/2017

Bay cao những khát vọng…

Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, người yêu nhạc sẽ nhớ tới chùm ca khúc nổi tiếng, trải dài từ đầu thập niên 1960 tới đầu những năm 1990: "Qua sông", "Đường tàu mùa xuân", "Đất nước", "Dấu chân phía trước", "Bài ca không tên"… 

Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, người yêu nhạc sẽ nhớ tới chùm ca khúc nổi tiếng, trải dài từ đầu thập niên 1960 tới đầu những năm 1990: “Qua sông”, “Đường tàu mùa xuân”, “Đất nước”, “Dấu chân phía trước”, “Bài ca không tên”… đặc biệt là bài “Khát vọng” làm lay động bao tâm hồn con người gần 40 năm qua về cuộc sống - tình yêu và  Tổ quốc…

 

Phạm Minh Tuấn tham gia Mặt trận giải phóng miền Nam ngay từ đầu thành lập năm 1960 với tư cách một thanh niên Việt kiều yêu nước. Chàng trai 23 tuổi biết chút về kiến thức âm nhạc từ Campuchia về thẳng chiến khu cách mạng Tây Ninh. Tại nơi gian khổ và oai hùng ấy, Phạm Minh Tuấn đã sáng tác bài hát đầy niềm lạc quan cách mạng - “Qua sông” với hình ảnh những nữ du kích trẻ trung yêu đời: “Hò khoan, chúng em khua mái chèo đưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo. Đường hành quân các anh đi khắp nẻo, vì quê hương mà anh chẳng ngại gian nao”. Bài hát đã đưa tên tuổi Phạm Minh Tuấn đứng ngay vào đội ngũ kế cận với các nhạc sĩ tiền bối đang chiến đấu trên chiến trường như: Hoàng Việt, Xuân Hồng, Huỳnh Thơ…


Tuy nhiên, sau sự hồn nhiên trong trẻo của thuở đầu, Phạm Minh Tuấn đã nếm trải và chứng kiến những mất mát lớn lao trong chiến tranh. Những văn nghệ sĩ đàn anh nổi tiếng như: Hoàng Việt, Lê Anh Xuân, Trần Hữu Trang đã ngã xuống trong những trận bom ngay ở miền ngoại ô Sài Gòn! Người con bé thơ của ông cũng đã phải chết dưới căn hầm bí mật để bảo vệ cho đồng đội của cha mẹ em được sống. Sau này, trong ca khúc “Bài ca không quên” nổi tiếng, nhạc sĩ đã thể hiện rất thành công tâm trạng của mình về quá khứ đau thương và bi tráng này.

 


Cũng như bao nhạc sĩ tham gia cách mạng, chủ thể đều thiên hướng lạc quan và Phạm Minh Tuấn cũng không ngoài luồng cảm xúc đó. Các bài hát nổi tiếng của ông sau giải phóng có bài “Đường tàu mùa xuân” qua giọng hát của nữ ca sĩ Tô Lan Phương; “Mùa xuân từ những giếng dầu” với giọng ca cháy bỏng của ca sĩ Ngọc Ánh, Nhã Phương; hay bài “Sao biển”. Đây là chùm ca khúc rất trẻ trung, đậm chất âm nhạc lạc quan mới, góp phần tạo nên một diện mạo âm nhạc mới của TP. Hồ Chí Minh với những nhạc sĩ nổi tiếng như: Thanh Tùng, Dương Thụ, Trần Quang Huy… Trong đó, Phạm Minh Tuấn là điển hình. Sau khi tốt nghiệp khoa sáng tác Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm 1979, Phạm Minh Tuấn trở nên chững chạc, chất bác học thấm vào ca khúc. Ca khúc “Bài ca không quên” viết theo đơn đặt hàng của bộ phim cùng tên đã thực sự vang dội trong nền nhạc thời ấy với giọng ca Cẩm Vân: “Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên!”. Lời ca thực sự là lời nhắc nhở về quá khứ chưa lâu với gian khó, bi tráng, là vết thương chưa lành trong tâm hồn người trở về. Thực ra, lời bài hát gần như minh họa theo đúng nội dung bộ phim cùng tên, tuy nhiên vẫn có nét riêng. “Bài ca không quên” trở thành ca khúc truyền thống kinh điển, một nốt nhạc buồn nhưng đầy tự hào mà chỉ có Phạm Minh Tuấn làm được.


Năm 1985, từ bài thơ của tác giả Đặng Viết Lợi, Phạm Minh Tuấn đã phổ thành bài “Khát vọng”. Ông muốn đem suy nghĩ của mình truyền đến công chúng một niềm tin sống trong thời điểm hết sức khó khăn với những lời ca triết lý rất sâu sắc: “Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la. Và sao không là phù sa, dâng mỡ màu cho hoa…”. Cứ thế, điệp ngữ lặp đi lặp lại với hình ảnh thiên nhiên cụ thể biến đổi không ngừng nhưng cuối cùng vẫn là mục đích lạc quan vào cuộc sống. Chất triết lý và nhân văn của lời ca vô cùng sâu sắc. Cả một ca khúc với nhiều câu hỏi rồi được trả lời thỏa đáng làm bừng tỉnh những tâm hồn còn băn khoăn, có khi còn bi quan.


Thế đấy, từ thuở khó khăn rất xa rồi mà Phạm Minh Tuấn đã tặng cho tâm hồn người yêu cuộc sống một ca khúc “động viên” rất tinh tế, thấm đẫm triết lý để hướng tới sự cao cả của con người. Cho đến hôm nay, “Khát vọng” ấy vẫn tươi nguyên như ánh nắng bình minh, dạt dào như sóng biển, nồng nàn như dòng sông…


Dương Trang Hương