Ý tưởng của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch về việc bỏ cấp phép cho người đẹp dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế lại thêm một lần nữa nhận về phản ứng trái chiều. Câu hỏi quản lý tiếp tục được đặt ra giữa lúc làng nghệ thuật đang lao xao câu chuyện cấp phép.
Ý tưởng của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về việc bỏ cấp phép cho người đẹp dự thi các cuộc thi nhan sắc quốc tế lại thêm một lần nữa nhận về phản ứng trái chiều. Câu hỏi quản lý tiếp tục được đặt ra giữa lúc làng nghệ thuật đang lao xao câu chuyện cấp phép.
“Cởi trói” làm gì?
Đề xuất này nằm trong kiến nghị sửa đổi một số điều trong Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật sẽ trình Chính phủ xem xét. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên - người vừa tiếp quản vị trí Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cụ thể sẽ đề xuất bỏ quy định “chỉ những người đẹp có danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc trong nước mới được cấp phép dự thi nhan sắc quốc tế”. Nghĩa là trong tương lai, người đẹp nào cũng có thể tham dự các cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài mà không cần xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Có thể vì đã có không ít người đẹp bị phạt sau khi tự ý “đem chuông đi đấm xứ người”, mà các nhà quản lý nhận thấy nhiều trường hợp đơn thuần vi phạm quy định chứ không gây ảnh hưởng đến lợi ích của tổ chức hay cá nhân. Hơn thế, việc xử phạt hành chính này cũng không ngăn được người đẹp “xé rào” đi thi chui, vì danh hiệu quốc tế dù nhỏ cũng hứa hẹn cơ hội tương lai cho họ. Thế nên, nhà quản lý cho rằng nên “cởi trói” cho người đẹp, cho họ quyền tự chủ trước các cuộc thi nhan sắc. Như ông Biên nhận định, sẽ thật hạn chế cho nhan sắc Việt nếu như có nhiều người đẹp phù hợp với các tiêu chí của cuộc thi quốc tế, có thể giành được thứ hạng cao mà không được dự thi.
Nhìn ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng cho rằng, cần phải loại bỏ những rào cản, bất cập để tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong tất cả các thủ tục. Có như thế, việc thực thi luật mới thực sự văn minh và nghiêm túc. Bản thân những người giữ trọng trách quản lý cũng phải lắng nghe từ nhiều phía để có những quyết định phù hợp với thực tế.
Quản thế nào?
Tại nghị trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, chính Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận công tác quản lý và cấp phép hoạt động nghệ thuật biểu diễn còn lúng túng nên mới xảy ra những lùm xùm khiến dư luận bất bình thời gian qua. Cũng vì thế, đây là thời điểm cần lắng nghe và đánh giá kỹ lưỡng thực tế vấn đề quản lý cấp phép để xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 79 và Nghị định 15 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật.
Điều nhà quản lý đưa ra không sai, vì không phải đến thời điểm này, những bất cập trong cấp phép cho người đẹp đi thi quốc tế, cùng những “lỗi thời” của nghị định mới được bàn luận. Thậm chí, có người còn thẳng thắn: “Nghị định vừa ra đời đã lạc hậu!”. Thế nhưng, khi quyết định bỏ quy định cấp phép cho người đẹp cũng cần cân nhắc những câu hỏi quản lý. Liệu “cởi trói” như vậy có xảy ra hiện tượng loạn danh hiệu người đẹp? Bởi không thể phủ nhận thực tế là hiện nay rất nhiều “chân dài” bất chấp quy định, chấp nhận nộp phạt để mong kiếm được một danh hiệu tạo dựng tên tuổi. Cũng không ít người đẹp lợi dụng danh hiệu để kiếm tiền, dù danh hiệu đoạt được chỉ ở một cuộc thi mang tầm “ao làng”. Hơn nữa một người đẹp ra nước ngoài dự thi sắc đẹp, dù với tư cách cá nhân hay được cử đi thường được số đông xem là đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam.
Ứng phó được với tình trạng “thi chui”, nhà quản lý sẽ quản các người đẹp thế nào khi mà “đầu ra” nước ngoài thả nổi, giấy phép hành nghề cũng mới chỉ ở dạng… bàn thảo? Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói rằng Cục sẽ tiếp tục lấy ý kiến trước khi kiến nghị sửa đổi quy định. Vậy thì cũng nên cân nhắc đến những câu hỏi quản lý này.
THỤC TRINH (KTĐT)