09:04, 07/04/2017

Tiếng hát giữa trùng khơi

Mỗi lần có đoàn công tác ghé thăm, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa) lại được dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ. Những lời ca, tiếng hát ấy là nguồn động viên, tiếp thêm động lực cho CB-CS ở đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mỗi lần có đoàn công tác ghé thăm, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa) lại được dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ. Những lời ca, tiếng hát ấy là nguồn động viên, tiếp thêm động lực cho CB-CS ở đảo hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Song Tử Tây là điểm đảo đầu tiên đoàn công tác số 4 chúng tôi ghé thăm (ngày 6-4). Ngay khi đặt chân lên đảo, các ca sĩ, nghệ sĩ, nhân viên Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã khẩn trương lắp đặt dàn âm thanh, ánh sáng, chuẩn bị trang phục cho đêm giao lưu văn nghệ. Háo hức, phấn khởi không kém, các chiến sĩ trẻ đã chuẩn bị xong phần trang trí sân khấu, bàn ghế cho khán giả. Binh nhất Nguyễn Văn Phúc - Cụm chiến đấu 2 đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Mỗi lần có đoàn công tác ghé thăm, làm việc, anh em trên đảo rất vui, nhất là được giao lưu văn nghệ. Vì thế, các đoàn viên, thanh niên khi được giao phụ trách trang trí sân khấu ai cũng hồ hởi xung phong làm. Ra công tác ở đảo được gần 1 năm, tôi đã được đón 3 đoàn công tác tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ trên đảo”.

 

Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây
Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây


Sau giờ cơm tối, dưới cột mốc chủ quyền, những ca sĩ, nghệ sĩ của đoàn công tác cùng các CB-CS cất cao tiếng hát về biển đảo, quê hương. Giữa trùng khơi sóng gió, những câu hát “Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa/Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió/Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào…”; hay “Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi/Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương…” thêm bội phần ý nghĩa. Đáp lại tình cảm từ đất liền, CB-CS ở đảo cùng lên sân khấu chung vui, cất lên những bài hát hào hùng, vui tươi về đời lính.


Lần đầu tiên đi đảo, binh nhất Nguyễn Văn Thanh - Cụm chiến đấu 3 đảo Song Tử Tây chia sẻ, những lúc rảnh rỗi, ngoài chơi thể thao, anh em trong đơn vị còn cùng nhau ca hát, luyện tập văn nghệ. Bản thân anh cũng là thành viên trong đội văn nghệ của đảo. Những buổi giao lưu văn nghệ như một món ăn tinh thần, thể hiện sự quan tâm của nhân dân cả nước đối với anh em trên đảo.


 Thượng úy Nguyễn Hữu Tăng - Ban Kỹ thuật đảo Song Tử Tây bộc bạch: “Bản thân tôi đã công tác ở nhiều đảo như: Sinh Tồn, An Bang, Sinh Tồn Đông… Nhưng ở đâu cũng vậy, mỗi lần các đoàn công tác ra đảo, món quà tinh thần mà anh em mong chờ nhất là những buổi giao lưu văn nghệ, giúp thắt chặt hơn tình cảm của nhân dân với các CB-CS, tạo khí thế cho anh em chúng tôi”.


Với các ca sĩ, nghệ sĩ của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, được đến Trường Sa, giao lưu văn nghệ cùng CB-CS vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự của những người làm nghệ thuật. Đây là lần thứ 5 đặt chân lên quần đảo Trường Sa, nhưng chị Nguyễn Ngọc Bích Huyền vẫn còn bồi hồi. Chị chia sẻ: “Mỗi lần tôi đến Trường Sa là một cảm xúc khác nhau, nhưng chung lại vẫn là niềm tự hào và vinh dự. Các chiến sĩ trẻ ở đây rất thích ca hát, mỗi người đều mang trong mình tình cảm nồng nhiệt. Qua những lời ca, tiếng hát của mình, chúng tôi đều gửi gắm niềm tin yêu của những người con đất Việt đến các CB-CS đang ngày đêm canh giữ biển trời quê hương”.


Tiếng hát vang lên giữa trùng khơi, bốn bề là tiếng sóng vỗ. Chân chất, gần gũi, những ca sĩ, chiến sĩ hát cùng nhau, say mê bằng tất cả tấm lòng và sự lạc quan, yêu đời.


V.T