11:08, 20/08/2015

Khánh Sơn: Phát huy giá trị văn hóa ở cơ sở

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc chung sống trên địa bàn…, là những yếu tố góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc chung sống trên địa bàn…, là những yếu tố góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).


Điểm sáng Tà Nĩa


Đến làng văn hóa thôn Tà Nĩa (xã Sơn Trung), chúng tôi thấy diện mạo của làng văn hóa từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen không hề thua kém so với các làng văn hóa ở đồng bằng. Hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa từ làng đến khu sản xuất; kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố; điện sinh hoạt và nước sạch kéo đến tận các hộ; thấp thoáng phía sau những vườn cây ăn trái, vườn cà phê, hồ tiêu xanh tươi là những ngôi nhà khang trang...

 

Nhiều địa phương ở Khánh Sơn duy trì được các đội mã la
Nhiều địa phương ở Khánh Sơn duy trì được các đội mã la


Ông Mấu Xuân Hạnh - Trưởng thôn Tà Nĩa cho biết: “Tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết gắn bó giữa người Kinh và người Raglai là mấu chốt cho sự phát triển của làng. Chúng tôi đã xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế, câu lạc bộ hỗ trợ vay vốn làm ăn... Nhờ đó, giúp các hộ trong làng có kinh tế ổn định”. Từ năm 2003, làng văn hóa Tà Nĩa đã ban hành hương ước quy định những quy tắc ứng xử trong làng như: giữ gìn phong tục tập quán, xử lý việc trộm cắp tài sản, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và bảo vệ quan hệ cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn hạnh phúc gia đình... Để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho người dân, làng đã duy trì đội văn nghệ, trong đó có đội đánh mã la 8 người. Ngoài ra, hàng năm, người dân nơi đây cũng được xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và các buổi chiếu phim lưu động do Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa thực hiện.  


Đi vào chiều sâu

 

Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ bình quân gia đình được công nhận văn hóa của huyện Khánh Sơn đạt 70,5% trên tổng số 5.916 hộ đăng ký; thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa đạt 76,1% trên tổng số 31 thôn, tổ đăng ký; cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 90,6 trên tổng số 69 cơ quan, đơn vị đăng ký. Tính đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 17,01%, hộ cận nghèo còn 17,54%.

Không chỉ có thôn Tà Nĩa, nhiều thôn khác trên địa bàn huyện Khánh Sơn cũng có sự chuyển mình tích cực như thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp), thôn Cam Khánh (xã Sơn Lâm), thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình)... Theo ông Nguyễn Phước Khiêm - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn, trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện đã tập trung nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Bên cạnh đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt là giá trị văn hóa của đồng bào Raglai được gìn giữ và phát huy như: sử thi, chữ viết... Đặc biệt, Lễ bỏ mả của người Raglai đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều địa phương trên địa bàn huyện như: các xã Thành Sơn, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, thị trấn Tô Hạp đều duy trì được các đội văn nghệ, đặc biệt là những đội mã la để biểu diễn phục vụ người dân vào mỗi dịp lễ hội, tham gia thi tài ở hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp. Hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện gồm có 1 trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, 8/8 xã đều có trung tâm học tập cộng đồng, 2/8 xã có nhà văn hóa xã; có 5 nhà dài truyền thống, 25/31 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hầu hết các xã đều có sự điều chỉnh quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.


Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, huyện Khánh Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; tổ chức triển khai các quy định về xây dựng nếp sống văn hóa trong cơ quan, đơn vị...


N.Tâm