07:10, 11/10/2014

Hồn thiêng Hà Nội trong bản khải hoàn ca bất hủ

"Hồn thiêng Hà Nội đã giao trọng trách cho Văn Cao" - nhạc sĩ Nguyễn Cường đã nói như thế khi nhận xét về sự tiên đoán kỳ diệu của nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác bài hát "Tiến về Hà Nội", bản khải hoàn ca bất hủ của ngày giải phóng Thủ đô.

“Hồn thiêng Hà Nội đã giao trọng trách cho Văn Cao” - nhạc sĩ Nguyễn Cường đã nói như thế khi nhận xét về sự tiên đoán kỳ diệu của nhạc sĩ Văn Cao khi sáng tác bài hát “Tiến về Hà Nội”, bản khải hoàn ca bất hủ của ngày giải phóng Thủ đô.


“Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố”.  Đó là những câu hát thuộc lòng trong trái tim hàng triệu người dân Việt suốt hơn 60 năm qua khi kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô. Nhưng không phải ai cũng biết về hoàn cảnh sáng tác bài hát này của Văn Cao.


Theo lời kể của nhạc sĩ Văn Cao, cuối năm 1949, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ theo cách mạng đã hành quân từ chiến khu Việt Bắc trở về vùng khu 3 giải phóng để tiếp tục công tác. Vợ chồng Văn Cao khi đó vừa có con trai (họa sĩ Văn Thao sau này) hơn một tháng, rất vất vả vì  đường xa gồng gánh. Với Văn Cao, tuy còn trẻ nhưng không khỏe gì nên có lúc chính nhà văn Nguyễn Đình Thi đã phải bế con trai của bạn.

 


Về đến vùng an toàn cách Hà Nội chưa đầy 50 cây số, cũng như nhiều người con xa Hà Nội mới hơn 4 năm, Văn Cao da diết nhớ. Một buổi tối, Bí thư Thành ủy Hà Hội Lê Quang Đạo có gọi Văn Cao lên cơ quan ăn cơm, trong lúc nói chuyện có gợi ý Văn Cao viết một bài hát về Hà Nội: “Văn Cao à, tôi đã nghe bài Sông Lô, Tiến quân ca hay những bài hát trước đây của anh, vậy anh cố gắng sáng tác một bài để động viên quân ta mau trở về giải phóng Thủ đô nhé!”. Trước sự chân tình của cấp trên, Văn Cao cảm động lắm. Khi trở về nhà, dưới trời thu trong veo, nhạc sĩ cứ suy nghĩ mãi, câu nói của đồng chí Lê Quang Đạo về ngày giải phóng Thủ đô đã dâng lên trong lòng…Hình ảnh  Hà Nội với phố phường, năm cửa ô cứ dâng lên trong tiềm thức ông. Tuy là người con Hải Phòng lên Hà Nội nhưng với trái tim và tâm hồn đa cảm, Văn Cao vẫn coi mình là người Hà Nội. “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về”. Tuy nhiên, cũng như  các sáng tác khác, Văn Cao có ý tưởng, giai điệu  nhưng rất khó khăn khi thực hiện. Tuy là người nổi tiếng có tài dự đoán như khi ông sáng tác những bài hát “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, nhưng với bài hát giải phóng Thủ đô giữa lúc chúng ta đang kháng chiến trường kỳ gian khổ cam go thì quả là khó. Tuy nhiên, với tài năng và tâm hồn tuyệt vời của mình, sau đó một thời gian, Văn Cao hoàn thành bài hát “Tiến về Hà Nội”. Khi ông hát cho họa sĩ Tạ Tỵ nghe thì người bạn đã thốt lên: “Quá tuyệt!”. Nhưng sau đó là tiếng thở dài vì biết đến bao giờ có “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào”. Tạ Tỵ vỗ vai Văn Cao: “Ôi bạn tôi lãng mạn quá!”. Bài hát rất hay nhưng trong dư luận có người phê bình Văn Cao khi đó lạc quan quá, bài hát dù mang thể hành khúc vui tươi hùng tráng nhưng vẫn có màu lãng mạn nên tính phổ biến vẫn chưa rộng rãi.


Chỉ tới khi vào mùa thu tháng 10-1954, bài hát “Tiến về Hà Nội” như thước phim bằng âm nhạc đã chiếu rực rỡ trong trái tim vạn người con Hà Nội. Giả sử Văn Cao là người con Hà Nội cùng rầm rập bước chân trở về Thủ đô yêu dấu rồi sau đó sáng tác bài hát thì cũng quá giỏi, đằng này bài hát trở thành khúc ca khải hoàn theo bước chân chiến thắng được sáng tác trước đó 5 năm! Quả là siêu phàm, hiếm có của một thiên tài, và ngoài Văn Cao không ai làm được điều đó.


Hà Nội - Thủ đô yêu dấu, miền đất thiêng của đất nước có tới hàng trăm bài hát hay, nhưng “Tiến về Hà Nội” vẫn là bài hát đặc biệt trong những giờ phút lịch sử, nó tiếp nối bài hát “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi khi Hà Nội kháng chiến.


Đúng như nhạc sĩ Nguyễn Cường - nhạc sĩ thấm đẫm chất Hà Nội - đã nói để giải mã về thiên tài của Văn Cao qua bài hát “Tiến về Hà Nội”: “Chính hồn thiêng sông núi của Hà Nội đã giao trọng trách cho Văn Cao, và chính Văn Cao đã làm rạng danh khí phách Hà Nội!”


Lê Đức Dương



Tiến về Hà Nội


Trùng trùng quân đi như sóng


Lớp lớp đoàn quân tiến về


Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng


Cờ ngày nào tung bay trên phố


Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời


Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về


Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về


Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào


Chảy dòng sương sớm long lanh


Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa


Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu


Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay


Những xuân đời mỉm cười vui hát lên


Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần


Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về


Hà Nội bừng tiến quân ca.