06:03, 03/03/2018

Giữ sắc xanh cho Trường Sa

Những năm gần đây, diện tích trồng cây xanh ở huyện đảo Trường Sa ngày càng được mở rộng. Những mầm xanh đang vững vàng vươn lên giữa đảo xa là hiện thân ý chí của những người lính hải quân quyết vượt qua khó khăn, thử thách để giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương…

Những năm gần đây, diện tích trồng cây xanh ở huyện đảo Trường Sa ngày càng được mở rộng. Những mầm xanh đang vững vàng vươn lên giữa đảo xa là hiện thân ý chí của những người lính hải quân quyết vượt qua khó khăn, thử thách để giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương…


Chúng tôi đến quần đảo Trường Sa vào giữa tháng 1-2018, khi mùa mưa bão đi qua chưa lâu. Tại các đảo, cán bộ, chiến sĩ hải quân vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão, trồng lại cây bằng việc rửa mặn, phơi đất, chăm sóc cây lâu năm.

 

Trồng cây xanh trên đảo Song Tử Tây.

Trồng cây xanh trên đảo Song Tử Tây.


Tại đảo Song Tử Tây, nhiều gốc tra cụt ngọn được dựng lại. Các vườn rau được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khẩn trương khôi phục. Những cây tra, phong ba… bị gãy đổ được cưa cành dựng lại đang nhú mầm đầy nhựa sống. Ở Trường Sa, mỗi cây xanh lớn lên đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, bởi ngoài đảo quanh năm nắng gió, mưa bão. Chính bởi khí hậu khắc nghiệt đó nên chỉ một số loài cây thích ứng được, như: phong ba, bão táp, tra, bàng vuông… Trung tá Nguyễn Đức Độ - Đảo trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Ở đảo, do điều kiện thổ nhưỡng hết sức khắc nghiệt, trồng được một cây xanh và chăm sóc nó tốt tươi đòi hỏi rất nhiều công sức. Tuy nhiên, những loài cây này khi đã sống thì đều có sức sống dẻo dai, bền bỉ. Nhiều cây tra được trồng lại sau 20 ngày đã nảy mầm mới”.


Khác với đảo nổi, đảo chìm không nhiều cây xanh. Tại đảo Đá Thị, sau bão, các chiến sĩ đã dựng lại vườn rau xanh ngay sát mép biển. Những mầm rau bắt đầu nhú lên trong những thùng xốp, hộp nhựa. Vừa cẩn thận chăm chút từng ngọn rau mồng tơi, chiến sĩ Phạm Văn Đại chia sẻ: “Mưa bão khiến các bầu trồng rau hầu như đều bị nhiễm mặn và hư hại. Chúng tôi phải đem những chậu đất ra phơi, rửa mặn, bón thêm vôi và phân, sau đó mới gieo rau. Không những thế, cả đơn vị phải tiết kiệm nước để duy trì, phát triển vườn rau”. Thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của quân và dân huyện đảo Trường Sa, sau cơn bão số 16 năm 2017, các doanh nghiệp ở tỉnh An Giang, Lâm Đồng và Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã hỗ trợ hạt giống, phân bón và đất sạch giàu dinh dưỡng, giúp cán bộ, chiến sĩ và hộ dân ở Trường Sa khôi phục lại các vườn rau. Đặc biệt, trong dịp này, Công ty Năng lượng mặt trời Trung Nam đã tặng đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn 2 nhà kính trồng rau, tổng trị giá 300 triệu đồng nhằm nâng cao hiệu quả việc tăng gia sản xuất của bộ đội.

 

Vườn rau xanh trên đảo Đá Thị.

Vườn rau xanh trên đảo Đá Thị.


Đại tá Bùi Đình Dương - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, tại các đảo ở Trường Sa, việc trồng cây xanh luôn được xem là một chỉ tiêu thi đua quan trọng. Chính vì thế, đến đảo nào ông cũng không quên hỏi han về việc trồng cây xanh. Năm 2017, đảo Song Tử Tây trồng được hơn 1.200 cây xanh, đảo Sơn Ca trồng gần 700 cây xanh, đảo Nam Yết trồng 2.000 cây xanh (tính cả các loại cây nhỏ). Ở Nam Yết có rất nhiều dừa, nhưng cán bộ, chiến sĩ không bao giờ hái quả để ăn. Toàn bộ dừa đều để già, ươm giống để trồng mới ở đảo và tặng các đảo khác. Trong năm 2017, đảo Nam Yết đã cung cấp cho các đảo hơn 100 cây dừa giống. Dừa Nam Yết đang dần bén rễ ở nhiều nơi trên huyện đảo Trường Sa.


Trong chuyến đi đến các đảo, chúng tôi cũng đã tham gia trồng cây xanh trên đảo. Gọi điện thoại ra các đảo hỏi thăm và chúc mừng năm mới Mậu Tuất 2018, các anh cho biết mầm xanh trên đảo ngày càng lớn nhanh. Và tôi tin, với ý chí và nghị lực của những người lính đảo, Trường Sa sẽ mãi tươi xanh!


XUÂN THÀNH