06:02, 09/02/2018

Những chú chó ở Trường Sa

Trường Sa có cây bàng vuông, những cây hoa làm từ ốc biển, nụ cười của những chàng lính trẻ… Nhưng cũng thật thiếu sót khi không nhắc đến "anh Vàng", "anh Đốm", "Mắt to"…, những người bạn tinh thần của lính đảo, trợ thủ đắc lực trong nhiệm vụ canh giữ quần đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Trường Sa có cây bàng vuông, những cây hoa làm từ ốc biển, nụ cười của những chàng lính trẻ… Nhưng cũng thật thiếu sót khi không nhắc đến “anh Vàng”, “anh Đốm”, “Mắt to”…, những người bạn tinh thần của lính đảo, trợ thủ đắc lực trong nhiệm vụ canh giữ quần đảo tiền tiêu Tổ quốc.


Những đồng đội đặc biệt


Ai đã từng một lần đến quần đảo Trường Sa, ắt hẳn ít nhiều có ấn tượng với hình ảnh những chú chó đứng trên bờ cùng với các chiến sĩ đón đoàn công tác, chỉ cần thấy xuồng máy lấp ló vào gần bờ là nhảy ùm xuống nước, mừng rỡ bơi ra đón dù toàn người lạ. Chẳng thế mà khách ra đảo, ai cũng quyến luyến khi phải chia tay những người bạn bốn chân này.

 

Chú chó theo chân các chiến sĩ đảo Song Tử Tây đi làm nhiệm vụ.

Chú chó theo chân các chiến sĩ đảo Song Tử Tây đi làm nhiệm vụ.


Đảo Nam Yết có hơn 25 chú khuyển, chẳng ai chỉ, chúng tự tìm chỗ ở cho mình, có “đứa” chọn gốc cây bàng vuông làm địa bàn, có chú ở quanh vườn rau xanh của đảo, có “anh” lại túc trực thường xuyên dưới bóng mát của những cây tra, những vọng gác nằm quanh đảo. Thế nên, đi một vòng đảo, ở đâu cũng có thể bắt gặp những chú chó đang nô đùa, hay nằm dài phơi nắng. Gặp người lạ, các chú có vẻ dè chừng, nhưng phát hiện ra đang đi cùng với lính đảo, chúng lại tỏ ra vui mừng, quấn quýt.


Mới ra công tác ở Nam Yết từ tháng 8-2017, Binh nhất Đỗ Thành Danh - Cụm Chiến đấu 1 đã kịp nhận chăm sóc chú chó có tên Mắt to. Mắt to có lông vàng, dài, chân to, săn chắc, có “thâm niên” ở đảo lâu hơn anh Danh, chẳng biết được ai đưa ra đảo. Từ ngày mới đặt chân lên đảo, anh có cảm tình ngay với chú chó này, thường xuyên chơi cùng, chăm sóc. Dường như cũng nhận biết được tình cảm của chàng chiến sĩ trẻ, được mấy ngày làm quen, Mắt to chuyển hẳn chỗ ở từ cụm khác về cụm 1 với anh.


Cụm 1 ngoài sĩ số là những cán bộ, chiến sĩ, còn có Mắt to, Mặt xệ, Vàng làm bạn, rồi thêm 6 chú chó con vừa sinh được hơn 1 tháng chưa kịp đặt tên. Theo anh Danh, mỗi cụm ở đảo đều có vài thành viên bốn chân, mỗi chú chó là một người bạn của lính đảo.


Vừa vuốt ve Mắt to đang nằm dưới chân lắng nghe cuộc trò chuyện, anh Danh vừa tâm sự: “Ở đảo, có mấy chú chó vui lắm đồng chí ạ, như là người bạn tâm giao vậy, có gì không nói ra được lại tâm sự với tụi nó. Mấy con ở cụm tôi cả ngày chạy quanh đảo, nhưng tới giờ là biết đường về cụm để ăn”.


Không chỉ ở Nam Yết, đi khắp các đảo ở Trường Sa, chúng tôi đếm sơ sơ, mỗi đảo chìm có ít nhất cũng chục chú chó, ở đảo nổi còn nhiều hơn. Chó ở đảo chủ yếu là chó nhà mang từ đất liền ra, khôn ngoan, lanh lợi. Sống ở đảo, quen với nước biển, nhiều chú còn có tài bắt cá ở vùng biển cạn quanh đảo.


Trợ thủ đắc lực


Thủng thẳng kể với tôi về những chú chó ở các đảo, Thiếu tá Nguyễn Xuân Quý - bác sĩ quân y ở đảo Thuyền Chài dường như có thể nói cả ngày. Từng có thời gian công tác ở đảo Đá Lớn, ngoài thời gian chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ ở đảo chìm này, anh còn kiêm luôn việc chăm sóc những chú chó, thế nên, hơn ai hết, anh rất yêu quý những người bạn bốn chân này. “Ngày tôi kết thúc nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn, lúc lên xuồng để ra tàu về đất liền, chúng nó không biết tôi đi luôn, cứ nghĩ là đi đánh cá như thường ngày. Lúc vừa đưa tay lên chào mọi người, có 3, 4 chú chó tưởng tôi vẫy tay gọi bơi ra cùng đánh cá liền lao bơi theo. Cảm giác lúc đó nao nao khó tả lắm”.


Theo anh Quý, không chỉ là người bạn, mỗi chú chó còn là một “máy báo động” của đảo. Những chú chó luôn có mặt ở khắp nơi xung quanh đảo, chỉ cần có tiếng động khác thường, hay mục tiêu lạ xuất hiện là lập tức sủa inh ỏi. Về đêm, những chú chó còn là phụ tá đắc lực của lính đảo trong những phiên tuần đêm.


“Đêm xuống, chỉ cần trang bị xong xuôi, hô lên “Vàng ơi, đi trực với tớ” là mấy đứa nhóc đang nằm chơi quanh nhà liền dậy, đi tuần với chúng tôi ngay. Chỉ cần có động, tuy xa ngoài biển nhưng mấy chú chó cũng phát hiện ra. Thế nên mỗi ca trực, có thêm chúng nó, anh em vui hơn và an tâm hơn, cảm thấy được chia sẻ rất nhiều”, Thiếu tá Quý bộc bạch.


Trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy Đỗ Xuân Tới - Chính trị viên đảo Thuyền Chài còn cho biết, ở đảo, những chú chó khỏe mạnh, lanh lợi là vậy, nhưng cũng phải biết chăm sóc. Ở Trường Sa, vào khoảng tháng 9, tháng 10 thường có những cơn gió độc, không tốt cho chó, nên thời gian này thường có chó bị bệnh. Để tránh việc giao phối cận huyết, chó con sinh ra yếu, bệnh tật, các đảo thường trao đổi chó bố, mẹ với nhau thông qua các tàu công tác đi qua. “Vào mùa chó sinh sản, cũng phải chăm sóc rất kỹ, vì gió mặn nhiều, lũ chó con dễ bị bệnh hô hấp; cho ăn cũng phải tránh chất tanh… Chỉ cần ở đảo vài năm, ai cũng thành chuyên gia chăm sóc chó cả đấy”, Thượng úy Tới vui vẻ nói.


Có rất nhiều chú chó sinh ra ở đảo, chưa bao giờ biết đất liền, nhưng cũng như những người lính hải quân, luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Những ngày cuối năm, gọi điện thoại hỏi thăm những người lính ở đảo, lòng thêm phần vui mừng vì đều nhận được câu trả lời “Anh em ở ngoài này vẫn khỏe cả anh ạ, lực lượng lính bốn chân ngoài này cũng ngày càng hùng hậu, ngày ngày cùng làm nhiệm vụ ngoài đảo với chúng tôi đây”.


VĨNH THÀNH