07:09, 30/09/2019

Chăm cho bóng bàn

Từ năm 1976 đến 1996, Khánh Hòa duy trì phong trào bóng bàn khá mạnh. Có nhiều tên tuổi thành danh từ trên ghế nhà trường như: Phương Thảo, Minh Đạt, Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa, Đoan Trang, Bích Thư… Có đội tuyển mạnh; có tên tuổi Đoàn Kiến Quốc tỏa sáng trên khắp các đấu trường trong nước và quốc tế, bóng bàn Khánh Hòa có vị thế nổi trội trong làng bóng bàn Việt Nam.

Từ năm 1976 đến 1996, Khánh Hòa duy trì phong trào bóng bàn khá mạnh. Có nhiều tên tuổi thành danh từ trên ghế nhà trường như: Phương Thảo, Minh Đạt, Đoàn Kiến Quốc, Đoàn Trọng Nghĩa, Đoan Trang, Bích Thư… Có đội tuyển mạnh; có tên tuổi Đoàn Kiến Quốc tỏa sáng trên khắp các đấu trường trong nước và quốc tế, bóng bàn Khánh Hòa có vị thế nổi trội trong làng bóng bàn Việt Nam.

 

Ở tuổi 40, Đoàn Kiến Quốc vẫn phải đảm đương  cả nhiệm vụ huấn luyện viên lẫn vận động viên. Ảnh: Internet

Ở tuổi 40, Đoàn Kiến Quốc vẫn phải đảm đương cả nhiệm vụ huấn luyện viên lẫn vận động viên


Thời vàng son ấy đi qua. Bóng bàn Khánh Hòa ngày càng thiếu vắng những cây vợt có đẳng cấp cao để khẳng định vị thế của mình. Năm nay, Đoàn Kiến Quốc đã bước sang tuổi 40 nhưng anh vẫn phải đảm đương cả nhiệm vụ huấn luyện viên đội tuyển cấp tỉnh lẫn... vận động viên (VĐV) thi đấu. Tre đã già mà măng chưa mọc kịp. Lớp trẻ bây giờ chưa thể viết nên những trang thành tích ấn tượng như ngày trước các thế hệ Đoàn Kiến Quốc đã làm.


Nhiều năm trở lại đây, phong trào chơi bóng bàn ở Khánh Hòa trầm lắng trông thấy. Trên địa bàn có quá ít bàn bóng bàn, có quá ít câu lạc bộ bóng bàn. Như trên đã nói, Khánh Hòa có nhiều tay vợt trưởng thành từ học đường. Nhưng phong trào bóng bàn học đường Khánh Hòa đang rất rời rạc, thiếu sức cuốn hút. TP. Nha Trang hiện nay có rất ít trường học có bàn bóng bàn. Nhiều nơi có bàn nhưng học sinh không sử dụng, để hư hỏng. Phải chăng niềm đam mê bóng bàn trong học sinh đã lụi tàn, hay chúng ta chưa đánh thức được niềm đam mê ấy? Thành phố còn vậy, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo thì sao? Những mầm non bóng bàn sẽ mọc lên ở đâu? Những câu hỏi ấy cần có câu trả lời và có giải pháp thỏa đáng, hiệu quả.


Còn bóng bàn chuyên nghiệp thì sao? Hãy còn quá nhiều bất cập, trên nhiều phương diện. Đơn cử như chế độ đãi ngộ cho VĐV chẳng hạn. Lấy ngay sự nghiệp của VĐV Đoàn Kiến Quốc làm ví dụ. Cầm vợt từ năm lên 7 tuổi, anh từng nắm giữ thứ hạng 171 của Liên đoàn Bóng bàn quốc tế và 2 lần liên tiếp góp mặt ở Thế vận hội Mùa hè. Tài năng như vậy, cống hiến như vậy, ngót 30 năm gắn bó với trái bóng nhựa nhưng đời sống của gia đình anh rất bấp bênh, chật vật, khó khăn. Nghề không nuôi được người, làm sao người giữ được nghề? Nhìn vào hoàn cảnh đó, phụ huynh nào dám cho con em mình theo đuổi sự nghiệp bóng bàn?


5 năm trở lại đây, ngành Thể thao Khánh Hòa đã chú trọng đầu tư phát triển môn bóng bàn, theo lộ trình khá rõ ràng. Mục tiêu vừa duy trì thành tích cao ở cấp độ đội tuyển; vừa xây dựng lực lượng trẻ, mang tính kế thừa. Phong độ không còn ở đỉnh cao như lúc trẻ, nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh từng trải hơn chục năm thi đấu trên các đấu trường trong và ngoài nước, Đoàn Kiến Quốc đang cố gắng “kéo” bóng bàn Khánh Hòa ra khỏi tình trạng sa sút thảm hại trong điều kiện vô cùng khó khăn, trong đó có sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.


Nhiều địa phương như: Hà Nội T&T, Hải Dương, Quân đội... đầu tư rất mạnh cho lứa trẻ nên đạt thành tích rất cao. Cho nên, hướng tới, Khánh Hòa cần phát động mạnh mẽ, sâu rộng phong trào chơi bóng bàn trong học đường; đầu tư có chiều sâu về nhiều mặt cho lứa năng khiếu; từng bước xây dựng môi trường chuyên nghiệp cho bóng bàn...


Tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc báo Nhân Dân lần thứ 37 tổ chức tại Nha Trang hồi tháng 5-2019, đoàn Khánh Hòa thi đấu đạt kết quả rất thấp. Nhìn lão tướng Đoàn Kiến Quốc tuổi đã 40 mà vẫn phải tả xung hữu đột, người hâm mộ vô cùng xúc động và ngậm ngùi tự hỏi: Bao giờ cho tới... ngày xưa?


PHONG NGUYÊN