Những trận động đất đầu tiên của World Cup 2022 đã xuất hiện, khi mà những Goliath của bóng đá thế giới là Argentina và Đức đã phải gục ngã trước những David đến từ châu Á là Ả Rập Saudi và Nhật Bản. Dù đây là những bất ngờ thực sự sốc đối với những người hâm mộ bóng đá...
Những trận động đất đầu tiên của World Cup 2022 đã xuất hiện, khi mà những Goliath của bóng đá thế giới là Argentina và Đức đã phải gục ngã trước những David đến từ châu Á là Ả Rập Saudi và Nhật Bản. Dù đây là những bất ngờ thực sự sốc đối với những người hâm mộ bóng đá, nhưng lại không quá nghịch lý khi đây là World Cup, một sân khấu đỉnh cao của bóng đá, nơi không thể xem thường bất cứ đối thủ nào.
Kịch bản cho lần ngã đau của 2 ông lớn Argentina và Đức này rất là giống nhau, đều là dẫn bàn trước, đều là thế trận nghiền ép gần như tuyệt đối trước đối thủ, và cũng đều bị đối thủ gỡ hòa rồi vượt lên dẫn trước trong hiệp 2. Nỗi đau chung của những người hâm mộ 2 đội tuyển này chắc chắn sẽ là sức mạnh vượt trội so với đối phương, điều này thể hiện rất rõ thông qua các thông số của trận đấu. Đối với trận Argentina - Ả Rập Saudi đó là tỷ lệ kiểm soát bóng lên tới 69%, 14 lần dứt điểm 6 lần dứt điểm chính xác, 610 đường chuyền, 82 pha tấn công 42 pha tấn công nguy hiểm của đội tuyển Argentina, so với vỏn vẹn 3 lần dứt điểm 2 lần dứt điểm chính xác, 267 đường chuyền, 53 pha tấn công 27 pha tấn công nguy hiểm của đội tuyển Ả Rập Saudi. Còn đối với trận giữa đội tuyển Đức và Nhật Bản thì chênh lệch giữa các chỉ số càng kinh khủng hơn nữa, khi đội tuyển Đức kiểm soát lên tới 74% thời lượng bóng, tung ra 25 lần dứt điểm 8 lần dứt điểm chính xác, 827 đường chuyền, 151 pha tấn công 68 pha tấn công nguy hiểm, so với 11 lần dứt điểm 3 lần dứt điểm chính xác, 279 đường chuyền, 64 pha tấn công 22 pha tấn công nguy hiểm của đội tuyển Nhật Bản. Nhưng xét về khía cạnh hiệu quả, thì đội tuyển Ả Rập Saudi có 2 lần dứt điểm chính xác và có 2 bàn thắng, đội tuyển Nhật Bản có 3 lần dứt điểm chính xác và cũng có 2 bàn thắng; so với 14 lần dứt điểm của đội tuyển Argentina, 25 lần dứt điểm của đội tuyển Đức, nhưng đều chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn thắng, một tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng quá thấp.
Không chỉ khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng thấp, thái độ thi đấu của Argentina và Đức cũng có vấn đề, khi họ tỏ ra xem thường, thiếu tôn trọng đối thủ sau khi dẫn bàn và có thể trận hoàn toàn vượt trội so với đối thủ ở hiệp 1. Đó là khi những cầu thủ Argentina bắt đầu “múa” trước đối thủ, những Angel Di Maria, Nicolas Otamendi, Romero, Nicolas Tagliafico… thi đấu đầy tính… biểu diễn như đã ăn chắc đối thủ dù chỉ mới dẫn trước đội tuyển Ả Rập Saudi vỏn vẹn 1 bàn; hoặc những Antonio Rudiger, David Raum, Nico Schlotterbeck… thi đấu với tâm thế thả lỏng thấy rõ sau một hiệp đấu hoàn toàn đè ép đối thủ, dù cũng chỉ mới dẫn trước đội tuyển Nhật Bản 1 bàn. Và quy luật của bóng đá vẫn rất khắc nghiệt, khi bạn thi đấu với thái độ hời hợt, khi bạn có đầy đủ cơ hội, không gian lẫn thời gian ở trước khung thành mà vẫn không thể ghi bàn, thì bạn phải trả giá. Có lẽ những Lautaro Martinez, Nicolas Tagliafico, Angel Di Maria, Lionel Messi… của đội tuyển Argentina; Jamal Musiala, Joshua Kimmich, Serge Gnabry, Ilkay Gundogan… của đội tuyển Đức sẽ phải cực kỳ hối tiếc khi không thể tận dụng được những cơ hội mà họ có, nhưng biết làm sao được khi bóng đá vẫn là như vậy.
Trước mắt thì một trận thua rõ ràng chưa phải là thảm họa đối với đội tuyển Argentina cũng như đội tuyển Đức, nhưng rõ ràng họ sẽ phải chấn chỉnh lại thái độ thi đấu trước khi tất cả đã quá muộn. Tấm gương bị loại ngay từ vòng đấu bảng tại World Cup 2018 của đội tuyển Đức, hoặc tại World Cup 2002 của đội tuyển Argentina vẫn còn đó, và lịch sử hoàn toàn có thể lặp lại khi Đức đang ở một bảng đấu rất khó khăn, còn Argentina vẫn hay thi đấu không tốt dưới áp lực lớn. Còn đối với những người hâm mộ bóng đá thể giới, thì đây rõ ràng là những dấu hiệu đáng mừng, báo trước một kỳ World Cup đầy những bất ngờ thú vị.
Cao Duy