Trận thắng đậm câu lạc bộ Atletico Madrid 4-2 ở vòng 23 La Liga tuy không phải là chiến thắng mang đến cho Barcelona danh hiệu gì, nhưng vẫn mang đến rất nhiều sự kỳ vọng cho người hâm mộ. Đó là bởi đây chính là thành quả đầu tiên sau rất nhiều thay đổi cũng như cố gắng của câu lạc bộ để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Trận thắng đậm câu lạc bộ Atletico Madrid 4-2 ở vòng 23 La Liga tuy không phải là chiến thắng mang đến cho Barcelona danh hiệu gì, nhưng vẫn mang đến rất nhiều sự kỳ vọng cho người hâm mộ. Đó là bởi đây chính là thành quả đầu tiên sau rất nhiều thay đổi cũng như cố gắng của câu lạc bộ để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Bước vào trận đấu giữa Barcelona và Atletico Madrid, thì ở mùa giải này Barcelona lại nằm ở “cửa dưới” so với Atletico Madrid, khi mà thầy trò huấn luyện viên Diego Simeone đang là đương kim vô địch của giải đấu, cũng như đang xếp trên Barcelona ở bảng xếp hạng của giải đấu. Trên thực tế thì dù cho Atletico Madrid thi đấu không quá tốt ở mùa giải này, thì Barcelona thậm chí còn tệ hơn khi đang phải chật vật đối đầu với hàng loạt khó khăn bủa vây. Đó là khủng hoảng kinh tế khiến họ chỉ có thể sử dụng những cầu thủ trẻ “cây nhà lá vườn” hoặc đưa về những bản hợp đồng miễn phí, hoặc dạng tiềm năng; đó là huấn luyện viên Xavi mới được bổ nhiệm dẫn dắt câu lạc bộ mà chưa có quá nhiều kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao; đó là hàng loạt cái tên trong đội hình chính đang gặp chấn thương như: Memphis Depay, Ansu Fati, Eric Garcia, Clement Lenglet, Sergi Roberto, Samuel Umtiti…
Chính vì đang gặp nhiều khó khăn như vậy, nên việc Xavi sử dụng một đội hình với nhiều cầu thủ trẻ cùng tân binh thắng đậm 4-2 trước một Atletico Madrid ra sân với đội hình gần như mạnh nhất, thật sự mang đến sự ngạc nhiên cho những người theo dõi trận đấu. Nếu xét trên góc độ số liệu trận đấu, thì 2 câu lạc bộ có thể nói khá là cân tài cân sức, với Barcelona kiểm soát 57% thời lượng bóng, tung ra 9 lần dứt điểm với 4 lần chính xác, ghi được 4 bàn thắng, có 542 đường chuyền, 128 pha tấn công và 51 pha tấn công nguy hiểm; trong khi Atletico Madrid có 10 lần dứt điểm với 4 lần chính xác, ghi được 2 bàn thắng, có 401 đường chuyền, 88 pha tấn công và 45 pha tấn công nguy hiểm. Nhưng xét về mặt thế trận, thì những cầu thủ trẻ của Barcelona mới là những người chiếm ưu thế.
Huấn luyện viên Xavi đã sử dụng hơn nửa đội hình là những cầu thủ trẻ như Ronald Araujo (22 tuổi), Ferran Torres (21 tuổi), Gavi (17 tuổi), Pedri (19 tuổi), Frenkie de Jong (24 tuổi), Sergino Dest (21 tuổi), Nico (20 tuổi)…, thậm chí còn tung ra sân 2 tân binh mới đưa về trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2022 vừa qua là Adama Traore và Pierre-Emerick Aubameyang. Trong khi đó huấn luyện viên Diego Simeone đưa ra sân hàng loạt ngôi sao như Luis Suarez, Joao Felix, Yannick Carrasco, Thomas Lemar, Angel Correa… Xét về mặt chất lượng đội hình cũng như kinh nghiệm thi đấu, rõ ràng là Atletico Madrid đang nhỉnh hơn. Nhưng có thể nói những thay đổi trong tư duy chiến thuật của huấn luyện viên Xavi đã mang đến những thành quả bước đầu.
Rất nhiều người đã nghĩ huấn luyện viên Xavi sau khi trở về Barcelona sẽ đưa câu lạc bộ quay lại với tiki-taka, lối chơi đã giúp câu lạc bộ thống trị cả châu Âu một khoảng thời gian, cũng là lối chơi mà những cầu thủ như Xavi được gọi là “thế hệ vàng” đưa lối chơi ấy lên đỉnh cao nhất. Nhưng trên thực tế không phải như vậy, mà Xavi đã hướng câu lạc bộ tới sự thay đổi về mặt tư duy chiến thuật, hướng tới một lối chơi hiện đại hơn, nhanh hơn, tốc độ hơn, ít rườm rà hơn. Có thể nói đây là lối chơi chủ đạo của bóng đá hiện đại, là lối chơi giúp đối thủ lớn của họ tại La Liga là Real Madrid gặt hái những thành công vô tiền khoáng hậu tại đấu trường Champions League, và cũng là lối chơi phù hợp với những gì mà Barcelona đang có.
Rất rõ ràng là với những cầu thủ trẻ mà mà Xavi có trong tay, Barcelona có là sức trẻ, là khả năng tiếp thu cái mới, là tốc độ trong những đường lên bóng, là nhiệt huyết thi đấu, chứ không có những chuyên gia xử lý bóng trong phạm vi nhỏ như những Xavi, Andres Iniesta, Lionel Messi, Pedro… Đó cũng là nguyên nhân Xavi đưa về một Adama Traore “vai u thịt bắp” chứ không phải là một mẫu tiền vệ tấn công giàu kỹ thuật, cùng một “chuyên gia vòng cấm” như Pierre-Emerick Aubameyang để hướng tới việc đón những đường bóng tạt vào vòng cấm. Rõ ràng là huấn luyện viên Xavi là hướng tới những đường phản công nhanh, những pha dốc bóng tốc độ dọc biên rồi tạt vào để các cầu thủ bên trong tận dụng độc độ băng cắt dứt điểm, hoặc những đường chọc khe tầm trung để các cầu thủ giàu tốc độ của Barcelona phát huy sở trường.
Khi đối đầu với Atletico Madrid, sự thay đổi này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Một Adama Traore phá nát một bên cánh của Atletico Madrid bằng tốc độ cùng sức mạnh, cùng những pha tạt bóng gọn gàng đơn giản mang đậm phong cách Ngoại hạng Anh, rõ ràng là rất phù hợp với những cầu thủ trẻ như Gavi, Ferran Torres, Pedri… Kết hợp với kinh nghiệm và sự lọc lõi của những Jordi Alba, Dani Alves, Sergio Busquets… rõ ràng là Barcelona đã trở nên lợi hại hơn rất nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là Barcelona không có điểm yếu, mà rõ ràng nhất là họ vẫn chưa có một tiền vệ phòng ngự thực sự vững chắc có thể thay thế cho Sergio Busquets, cũng như các trung vệ vẫn chưa thế mang đến sự an tâm cho người hâm mộ. Cho dù là vậy, sự thay đổi của Barcelona đã mang đến những quả ngọt đầu tiên, và người hâm mộ kỳ vọng một Barcelona hùng mạnh trong quá khứ sẽ nhanh chóng trở lại.
Cao Duy