Ngày 25/10, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại hơn 22 triệu người Afghanistan sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong mùa Đông này, đồng thời cảnh báo quốc gia Tây Nam Á bất ổn đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Ngày 25/10, các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) bày tỏ lo ngại hơn 22 triệu người Afghanistan sẽ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong mùa Đông này, đồng thời cảnh báo quốc gia Tây Nam Á bất ổn đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời các quan chức LHQ nhận định rằng xét về quy mô, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Afghanistan lớn hơn so với tại Yemen hoặc Syria. Bên cạnh đó, tình trạng mất an ninh lương thực tại quốc gia này cũng trầm trọng hơn bất kỳ tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp nào từng xảy ra tại CHDC Congo.
Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), ông David Beasley, nhấn mạnh: "Vào mùa Đông này, hàng triệu người Afghanistan sẽ buộc phải lựa chọn giữa di cư và chết đói, trừ khi chúng ta có thể đẩy mạnh chương trình hỗ trợ để bảo vệ mạng sống của họ. Afghanistan đang lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới - nếu không nói là tồi tệ nhất - và tình hình an ninh lương thực tại nước này đã sụp đổ hoàn toàn".
Ông Beasley nhấn mạnh thêm:"Chúng ta đang đếm ngược tới thời điểm thảm kịch và nếu không hành động ngay lập tức, chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa toàn diện. Nạn đói đang gia tăng và trẻ em đang chết dần. Chúng ta không thể nuôi sống mọi người bằng những lời hứa mà phải biến các cam kết hỗ trợ thành tiền mặt. Cộng đồng quốc tế phải cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng đang nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát này."
Theo tuyên bố của WFP và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), cứ 2 công dân Afghanistan lại có 1 người đối mặt với khủng hoảng giai đoạn 3 hoặc tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp giai đoạn 4. Giai đoạn 4 là giai đoạn tiệm cận nạn đói và các quan chức cho rằng quốc gia Tây Nam Á này đang đối mặt với mùa Đông tồi tệ nhất trong thập kỷ qua.
Các cơ quan LHQ cảnh báo kế hoạch ứng phó nhân đạo của họ chỉ đảm bảo hỗ trợ được 1/3 nhu cầu cần thiết hiện nay tại Afghanistan. FAO đang huy động 11,4 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và thêm 200 triệu USD hỗ trợ cho mùa canh tác nông nghiệp trong năm 2022.
Trước đó, ngày 24/10, khi được hỏi về cuộc khủng hoảng nhân đạo, người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, cho biết chính phủ lâm thời đang nỗ lực để người dân Afghanistan thoát ra khỏi tình trạng hiện nay, cũng như nỗ lực để giúp đỡ họ. Ngoài ra, ông Zabihullah cho biết thêm các nguồn viện trợ nhân đạo toàn cầu đã được chuyển đến nước này. Hiện chính quyền Taliban đang cố gắng sắp xếp và phân phối đồ viện trợ, trong đó có cả thực phẩm và quần áo. Ông cam kết "các vấn đề gây quan ngại sẽ được giải quyết", đồng thời nhấn mạnh nếu tình trạng hạn hán còn tiếp diễn, Taliban sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp vào mùa Xuân.
Theo TTXVN