Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó là những yếu tố giúp tập thể Ban quản lý Công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó là những yếu tố giúp tập thể Ban quản lý Công trình công cộng và môi trường (CTCC-MT) huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một góc trong khu vực Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh. |
Dấu ấn người đứng đầu
Những năm trước, Ban quản lý CTCC-MT huyện Khánh Vĩnh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu năng động, sáng tạo trong công việc dẫn đến việc xử lý các vấn đề chuyên môn có lúc bị ùn tắc. Ông Nguyễn Hoàng - lúc này là Chủ tịch UBND xã Khánh Thành được Huyện ủy Khánh Vĩnh điều động về làm Trưởng Ban quản lý. Từ đó, hoạt động của Ban quản lý từng bước được củng cố. Tuy nhiên, việc Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh không thể cung cấp nước sạch vì nguồn nước nhiễm bẩn do quá trình khai thác khoáng sản vẫn còn là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. “Bùn đóng dày làm tê liệt toàn bộ hệ thống xử lý nước; trong khi đó, nhu cầu cấp bách trong sử dụng nước của người dân buộc chúng tôi phải nhanh chóng tìm giải pháp tối ưu...” - ông Hoàng nói.
Ông Hoàng đã cùng tập thể cán bộ, nhân viên Ban quản lý rà soát từng đường ống, nghiên cứu hệ thống xử lý cũ để tìm nguyên nhân. Qua kiểm tra cho thấy, việc xử lý nước tại Nhà máy nước thị trấn Khánh Vĩnh khá đơn giản. Nước chỉ được xử lý thô và tiệt trùng bằng Clo mà chưa thực hiện đúng quy trình khử phèn, làm trong nước. Ông Hoàng chia sẻ: “Qua rà soát, đơn vị đã súc rửa, vệ sinh toàn bộ hệ thống trước khi tiếp nhận nguồn nước mới; tiến hành cải tạo đường ống cũ, lắp đặt một số đường ống mới tạo điều kiện cho nước có thời gian tiếp xúc lâu hơn với phèn để làm trong nước, sau đó mới xử lý Clo. Để khắc phục tình trạng nước nhiễm bẩn, đóng bùn, chúng tôi thiết kế lại bể chứa nhằm tiết kiệm sức lao động và kinh phí, không cần phải súc rửa hàng ngày…”.
Mặt khác, để chỉnh đốn lại đội ngũ, ông Hoàng đã phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Ông chịu khó đi khảo sát từ diện tích cây xanh đến từng đường dây điện... để có kế hoạch sắp xếp, bố trí phù hợp; đồng thời giao trách nhiệm hợp lý. Nhờ vậy, chỉ một thời gian ngắn, các hoạt động tại đơn vị đã khởi sắc.
Gắn với việc học tập, làm theo
Ban quản lý CTCC-MT Khánh Vĩnh đang quản lý hơn 33.500m đường ống nước các loại, hơn 1.000 đồng hồ nước, phục vụ nước sinh hoạt cho hơn 4.000 dân tại thị trấn Khánh Vĩnh. Bên cạnh đó, đơn vị còn đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc hơn 50.000m2 cây xanh, thu gom gần 2.000 tấn rác/năm, nạo vét gần 60m3 bùn hố ga/năm, quản lý hàng trăm cây xanh các loại… |
Ban quản lý CTCC-MT huyện Khánh Vĩnh có 43 cán bộ, nhân viên, chia làm 5 bộ phận: hành chính, xử lý, đường ống, công viên và môi trường. Do lực lượng mỏng, công việc nhiều, trang bị thiếu thốn nên nhiệm vụ chuyên môn của Ban gặp nhiều khó khăn. Sau khi chỉnh đốn lại đội ngũ, công tác chuyên môn đã có nhiều chuyển biến, đặc biệt là tình hình cung cấp nước sạch cho người dân. Ông Lê Văn Hùng - cán bộ phụ trách Nhà máy nước cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát, nâng cấp hệ thống bể lọc, bể lắng, thiết kế đường ống mới... Qua đó, giúp công nhân không phải mất thời gian, công sức làm vệ sinh, súc rửa hàng ngày. Hiện tại, 8 bể lọc đã thiết kế van xả cặn. Nếu hoạt động một thời gian mà nhiễm bẩn thì chỉ cần thay cát mới. Đơn vị cũng thiết kế hệ thống xử lý phèn đặt cách nhà máy 150m, nhờ đó làm thay đổi căn bản việc xử lý nước, nâng cao chất lượng nước sạch nên người dân rất phấn khởi...”.
Các công việc chuyên môn khác như: Cung cấp điện chiếu sáng, làm đẹp cảnh quan, môi trường đô thị cũng được quan tâm và đi vào nề nếp. Ông Hoàng cho biết, sau khi khắc phục sự cố nước bẩn, đơn vị tiếp tục chỉnh trang môi trường, sắp xếp lại bồn hoa, công viên, cây cảnh, công tác thu gom rác thải... Có được kết quả đó là nhờ đơn vị đã lồng ghép việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác gắn với nhiệm vụ chuyên môn, phát huy vai trò của tập thể, cá nhân để tạo ra sự chuyển biến, xây dựng cơ quan vững mạnh. Ông Trần Hòa Nam - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh đánh giá: “Từ ngày ông Nguyễn Hoàng về phụ trách công việc tại Ban quản lý CTCC-MT huyện Khánh Vĩnh, công việc chuyên môn của đơn vị có nhiều chuyển biến. Điển hình là việc khắc phục hệ thống nước bị đục do tình trạng khai thác khoáng sản đầu nguồn. Chỉ sau 1 tháng, việc khắc phục đã hoàn thành, được người dân tin tưởng. Các nhiệm vụ khác về quản lý môi trường, cây xanh, điện, nước... đều có những chuyển biến khả quan”.
Q.V