11:07, 09/07/2014

Ứng dụng nhiều sáng kiến, cải tiến vào thực tế

Luôn khuyến khích công chức tìm tòi, nghiên cứu sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế là việc làm thường xuyên của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.

Luôn khuyến khích công chức tìm tòi, nghiên cứu sáng kiến cải tiến (SKCT) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế là việc làm thường xuyên của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.


Lợi ích từ những sáng kiến


Những năm qua, SKCT của công chức ngành Thuế đã đem lại hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn, làm lợi cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Một trong những SKCT nổi bật được công nhận cấp Cục Thuế là “Xây dựng và ban hành mức doanh thu vận tải để ấn định doanh thu đối với người nộp thuế (NNT) theo phương pháp khoán và ấn định doanh thu đối với NNT theo kê khai vi phạm pháp luật thuế”. Thời gian qua, việc quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; ý thức tự giác chấp hành chính sách pháp luật thuế của giới chủ kinh doanh trong lĩnh vực này còn hạn chế... Để chống thất thu thuế, tạo công bằng trong công tác quản lý thu thuế và ấn định doanh thu đối với các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải trên toàn tỉnh, năm 2013, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài này. Ông Nguyễn Trí Vũ - Phó Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh, người tham gia đề tài nhìn nhận, lợi ích thiết thực nhất của sáng kiến là góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể, sau khi áp dụng SKCT, số hộ - cá nhân nộp thuế năm 2014 tăng so với năm 2013 gần 750 hộ, tương ứng với khoảng 800 đầu xe. Số thuế lập bộ năm 2014 tăng so với năm 2013 là 934 triệu đồng/tháng, tương ứng 11,2 tỷ đồng/năm.

 

Phát huy sáng kiến cải tiến đã trở thành phong trào sâu rộng của công chức ngành Thuế.
Phát huy sáng kiến cải tiến đã trở thành phong trào sâu rộng của công chức ngành Thuế.


Một đề tài SKCT cũng phát huy hiệu quả là “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên cơ sở áp dụng cơ chế quản lý rủi ro và triển khai trên diện rộng theo ngành nghề sản xuất kinh doanh”. Theo quy định, 100% hồ sơ kê khai thuế phải được giám sát, kiểm tra của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, trước đây vì nhiều nguyên nhân khách quan, công tác giám sát còn đơn lẻ, thiếu đồng bộ; nguồn nhân lực, hệ thống ứng dụng tích hợp số liệu còn hạn chế so với yêu cầu. Từ thực tế đó, năm 2013, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài này. SKCT gồm các nội dung chủ yếu như: Rà soát, tập hợp thông tin về hoạt động kê khai của NNT; lập danh sách NNT theo nhóm thuộc cùng hoạt động sản xuất kinh doanh; tập hợp các rủi ro về kê khai thuế; lập các chỉ tiêu chung cho từng hoạt động sản xuất kinh doanh; phát hành thông báo chung các chỉ tiêu cho từng nhóm NNT... Sáng kiến này mang lại lợi ích thiết thực như: Quản lý chặt chẽ NNT theo phân nhóm hoạt động sản xuất kinh doanh; tiết kiệm nhân lực, chi phí; lập hồ sơ kiểm tra tại trụ sở NNT với các hành vi vi phạm tương đối rõ. Về hiệu quả chống thất thu thuế, cơ quan Thuế yêu cầu NNT tự kê khai điều chỉnh. Số tiền thuế phải nộp tăng thêm 35,8 triệu đồng; số tiền phạt nộp chậm tự tính 171,4 triệu đồng.


Những SKCT khác như: Chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh ăn uống qua kiểm tra phân tích định mức chi phí trên doanh thu; chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng; triển khai xây dựng ứng dụng quản lý văn bản qua internet... cũng phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế.


Có sức lan tỏa  


Có thể nói, phong trào phát huy SKCT của ngành Thuế đã có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo của lãnh đạo, công chức toàn ngành. Năm 2013, toàn ngành Thuế có 64 SKCT được Cục Thuế công nhận có tính khả thi, mang lại lợi ích thiết thực. Hầu hết SKCT được công nhận đều tập trung vào việc tìm tòi, nghiên cứu, đề ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thu, khai thác tốt các nguồn thu và chống thất thu ngân sách. Phát huy kết quả đạt được, năm 2014, toàn ngành Thuế có 117 đề tài đăng ký và đang triển khai tại các đơn vị.


Theo ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bên cạnh tuyên truyền rộng rãi các nội dung, chủ đề học tập theo hướng dẫn của cấp trên, lãnh đạo Cục Thuế luôn xác định đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua lao động sáng tạo nhằm phát huy khả năng của công chức trong việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế. Hàng năm, Cục Thuế đều khuyến khích các cá nhân, tập thể trong ngành tìm tòi, nghiên cứu SKCT mới, hiệu quả. Vì thế đến nay, phong trào đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nội dung các SKCT cũng đa dạng, từ lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền và hỗ trợ NNT, thanh tra, kiểm tra thuế, thu hồi nợ đọng thuế, đến các lĩnh vực có nhiều tiềm năng bị thất thu, gặp khó trong công tác quản lý...


KIM THAO