Mô hình “Xóa nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo” (gọi tắt là mô hình thoát nghèo bền vững) của Đảng ủy, UBND phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) được đánh giá là một trong các mô hình điểm của thành phố qua sơ kết 2 năm (2011 - 2012) thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Mô hình “Xóa nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo” (gọi tắt là mô hình thoát nghèo bền vững) của Đảng ủy, UBND phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) được đánh giá là một trong các mô hình điểm của thành phố qua sơ kết 2 năm (2011 - 2012) thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Phường Cam Linh có 2.324 hộ với số dân hơn 15.000 người. Đây là phường ven biển của TP. Cam Ranh, phần lớn người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và buôn bán nhỏ lẻ. Năm 2010, qua điều tra, khảo sát, toàn phường có 168 hộ nghèo, chiếm 7,2% số hộ. Phần lớn các hộ nghèo thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, ốm đau bệnh tật kéo dài... Nắm bắt được tình hình này, Đảng ủy phường đã tập trung chỉ đạo chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp đồng bộ trong công tác giảm nghèo. UBND phường đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo của phường để triển khai mô hình thoát nghèo bền vững.
Thực hiện mô hình này, hàng năm, BCĐ giảm nghèo của phường xây dựng kế hoạch, phân loại đối tượng cần xóa nghèo theo từng nhóm để có phương án hỗ trợ. BCĐ đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh, nguyện vọng của từng gia đình để có biện pháp tác động phù hợp, giúp các gia đình xóa nghèo bền vững; chủ động lồng ghép công tác giảm nghèo với các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, gạo cứu đói…
Gia đình bà Trần Thị Mỹ Phụng đã thoát nghèo nhờ mô hình “Xóa nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo”. |
Theo thống kê của BCĐ, đến nay, toàn phường có 220 hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng; 413 hộ vay vốn chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn vay, BCĐ giảm nghèo còn phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng phường và các tổ chức đoàn thể mở lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư cho người dân, giúp họ tiếp cận các công nghệ, kỹ thuật trong việc nuôi ốc hương, rong sụn, cá mú để phát triển sản xuất; vận động các hộ nghèo tham gia mua bảo hiểm y tế nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng hộ phát sinh nghèo, tái nghèo do đau ốm, bệnh tật kéo dài…
Bà Trang Thị Kim Tuyết - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cam Ranh: Năm 2011 - 2012, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Thành ủy Cam Ranh có 15 tập thể và 28 cá nhân tiêu biểu được UBND thành phố tặng giấy khen; đồng thời xuất hiện nhiều mô hình điển hình ở các tổ chức cơ sở đảng và trong nhân dân như mô hình “Xóa nghèo bền vững, không có hộ tái nghèo” của Đảng ủy, UBND phường Cam Linh. Mô hình này đã đạt được hiệu quả cao, góp phần giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. |
Nhờ những chính sách tác động của Nhà nước, công tác giảm nghèo trên địa bàn phường đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, năm 2011 phường giảm 40/89 hộ nghèo; năm 2012 giảm 20/49 hộ nghèo; dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ giảm 10/29 hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Thanh Dân - Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng BCĐ giảm nghèo của phường cho biết: “Thông qua mô hình thoát nghèo bền vững, nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã tiếp cận được các nguồn vốn vay (từ 5 đến 30 triệu đồng/hộ) để sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, các hộ nghèo đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, sử dụng tốt các nguồn vốn để phát triển kinh tế”. Hộ bà Trần Thị Mỹ Phụng là một điển hình thoát nghèo của phường. Trước đây, gia đình bà sống chủ yếu nhờ vào nguồn thu nhập chính từ các chuyến đi biển của chồng. Năm 2008, gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo và được hỗ trợ từ mô hình thoát nghèo bền vững. Bằng nguồn vốn ban đầu khoảng 15 triệu đồng, gia đình bà Phụng bắt đầu nuôi tôm, buôn bán nhỏ. Đến nay, bà đã xây được nhà mới kiên cố với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống. Đầu năm 2011, hộ bà Phụng đã được UBND phường công nhận thoát nghèo bền vững…
Có thể thấy, với cách tiếp cận và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn vay của BCĐ giảm nghèo phường Cam Linh, thông qua mô hình thoát nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo của phường đã biết tận dụng tốt để phát triển kinh tế. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Dân, đạt được những kết quả trên là do Đảng ủy, UBND phường đã quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chính Minh về việc “…nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, đảm bảo dân sinh, nâng cao dân trí”. Bằng chức trách, nhiệm vụ của mình, từng cán bộ, lãnh đạo phường sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để hỗ trợ người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, giúp họ phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.
PHÚC HIẾU