11:09, 19/09/2010

Người làm nhịp cầu nối giữa nhà hảo tâm với người nghèo

Tuy nghỉ hưu đã hơn chục năm nhưng ông Bùi Hồng Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, chưa thực sự có ngày nào nghỉ ngơi. Khi thì tham gia công tác khuyến học, lúc lại tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, rồi Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Ông bảo, 80 tuổi rồi, sức khỏe hạn chế nên nhiều khi thấy mệt, nhưng mỗi lần chứng kiến niềm vui của những người được giúp đỡ lại không nghỉ được. Ông còn là Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước và Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh.

Tuy nghỉ hưu đã hơn chục năm nhưng ông Bùi Hồng Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, chưa thực sự có ngày nào nghỉ ngơi. Khi thì tham gia công tác khuyến học, lúc lại tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, rồi Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Ông bảo, 80 tuổi rồi, sức khỏe hạn chế nên nhiều khi thấy mệt, nhưng mỗi lần chứng kiến niềm vui của những người được giúp đỡ lại không nghỉ được. Ông còn là Chủ tịch Hội Truyền thống kháng chiến cứu nước và Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh.

° Từ “khuyến học, khuyến tài” đến “xóa đói, giảm nghèo”

Nếu tính đủ 60 tuổi là nghỉ hưu, ông Bùi Hồng Thái đã chính thức được nghỉ từ năm 1990. Nhưng thực tế, 68 tuổi ông mới chính thức nhận sổ hưu. Vừa nghỉ hưu, ông đã cùng ông Trần Thuẫn đi xây dựng phong trào khuyến học của tỉnh vì Trung ương đã có Quỹ Khuyến học mà tỉnh nhà thì chưa. Ông Trần Thuẫn nhận tài liệu Trung ương về, 2 ông gặp các đồng chí Thường trực UBND tỉnh xin phép để Quỹ Khuyến học hoạt động. Hai ông quyết tâm làm thử, tới huyện nào cũng tuyên truyền giải thích, giới thiệu luôn nhân sự, có kết quả, UBND tỉnh đã đồng ý quy chế cho phép hoạt động. Quỹ đặt ra mục tiêu “khuyến học, khuyến tài”, ban đầu chỉ dành cho các cháu học sinh nghèo học giỏi, sau này mở rộng hơn là học sinh nghèo hiếu học. Là một trong những người đầu tiên đi vận động thành lập, đặt nền móng cho việc hình thành Quỹ Khuyến học nhưng khi quỹ đã hoạt động ổn định và có hiệu quả, ông lại chuyển sang làm công tác xóa đói giảm nghèo.

Khi có phong trào xóa đói giảm nghèo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị 4 vị nguyên là lãnh đạo tỉnh đỡ đầu cho các xã nghèo của 2 huyện miền núi. Ông Bùi Hồng Thái phụ trách xã Cầu Bà, ông Nguyễn Thiết Hùng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) phụ trách xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh). Ở huyện Khánh Sơn, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (nguyên Bí thư Tỉnh ủy) phụ trách xã Thành Sơn và bà Nguyễn Thị Nở (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) phụ trách xã Ba Cụm Nam. Ông kể, khi ấy, ông Nguyễn Văn Tự, Bí thư Tỉnh ủy trao đổi: “Anh là người đã từng chiến đấu, dựa vào căn cứ, được người dân nuôi giấu, nay bà con còn khó khăn quá thì nên hỗ trợ một tay”. Bản thân ông cũng nghĩ, trong chiến tranh, bà con chịu bao cơ cực, hy sinh khi dám chở che, cưu mang mình. Nay đất nước giải phóng rồi coi như “nợ nước đã đền” nhưng bà con còn nghèo khổ thì “nợ dân trả chưa xong” nên cố gắng làm được gì có lợi cho dân thì làm.

° Hết lòng chăm lo người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo

Tích cực tham gia các hoạt động vận động ủng hộ từ thiện, ông nhận thấy hoạt động từ thiện riêng lẻ cần tập trung lại trong Hội. Năm 2004, sau một thời gian tiếp xúc, nghiên cứu hoạt động của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh, thấy có thể vận dụng tổ chức tại Khánh Hòa, ông Bùi Hồng Thái và bác sĩ Kiều Xuân Cư gặp lãnh đạo tỉnh đề xuất và được đồng ý về nguyên tắc. Ông Thái đã tích cực tham gia vận động để thành lập Hội. Cuối năm 2004, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Khánh Hòa chính thức được thành lập. Hội đi vào hoạt động nhưng mang tính tự phát tại địa phương chứ không phải có tổ chức thống nhất từ trên xuống. Trong khi đó, Trung ương có Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, nòng cốt dựa vào Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Tỉnh cũng thành lập nhưng không hoạt động được. Qua quá trình hoạt động, nhận thấy có sự trùng lắp về đối tượng bảo trợ cũng như đối tượng vận động với Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi Việt Nam tỉnh, ông Thái đã chủ động đề xuất hợp nhất lấy tên gọi chung là Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Khánh Hòa. Đây là tổ chức hoạt động từ thiện xã hội vì các chương trình mục tiêu: Nụ cười trẻ thơ, ánh sáng cho người mù nghèo, tiếng nói cho người câm điếc, xe lăn cho người tàn tật nghèo, bữa ăn miễn phí trong bệnh viện cho bệnh nhân nghèo, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học và trẻ mồ côi.

Bằng uy tín và mối quan hệ của mình, ông Bùi Hồng Thái đã tham gia vận động được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ từ thiện cho Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Như trường hợp của phóng viên Phương Mai, ở TP. Hồ Chí Minh vốn là người Khánh Hòa, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhưng “lá rụng về cội”, tích cực vận động từ thiện cho quê hương qua vận động mổ mắt, tặng quà cho người dân các xã miền núi. Chỉ riêng nhóm từ thiện của bà Phương Mai đã vận động ủng hộ mấy tỷ đồng bằng hiện vật.

Niềm vui của những người được Hội hỗ trợ là động lực để ông tham gia từ thiện không mệt mỏi. Ông nhớ mãi hình ảnh một ông cụ 68 tuổi được mổ đục thủy tinh thể từ chương trình “Ánh sáng cho người mù nghèo” vừa cười vừa rút khăn lau nước mắt, nói: “68 tuổi, bữa nay tôi mới thấy mặt đứa cháu đích tôn. 10 năm nay tôi ẵm bồng, nuôi nấng, cảm nhận nó chỉ bằng đôi bàn tay nhưng nay nhờ Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm cho tôi lại được cặp mắt để tôi thấy cháu nội”. Ở nông thôn, chi phí cho 1 ca mổ như thế là bao nhiêu buồng chuối, là nhiều năm trồng chuối nên nhiều người cứ chịu mờ suốt đời dù mắt có khả năng mổ được. Tuy nhiên, Hội chưa đủ sức làm rộng nên chỉ dành cho người mù nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hay có cháu bé sứt môi hở hàm ếch, khi xem những tấm ảnh chụp trước và sau mổ mừng quá, về đến nhà chạy vội sang hàng xóm soi gương. Rồi mấy cháu nhỏ ở miền núi, khi được tặng xe lăn mừng quá òa khóc. “Đấy, cứ như vậy thì mệt mấy mình cũng làm, sao dừng lại được” - ông Thái chia sẻ.

Ông Thái trực tiếp liên hệ với những cá nhân, tổ chức nước ngoài vận động ủng hộ cho Hội. 5 năm nay, Tổ chức Trao đổi sư phạm giáo dục Cộng hòa Pháp liên tục cấp học bổng cho 24 em học sinh, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học cho một số xã. Chi hội “Rau muống Nha Trang” là thành viên của Câu lạc bộ Le liserron de France (Pháp) chuyên vận động bà con Việt kiều và các tổ chức từ thiện ở Pháp ủng hộ học bổng và giúp đỡ trang thiết bị trường học cho miền núi. Hay cặp vợ chồng người Mỹ qua Nha Trang lần đầu sau lời hứa “vận động xe lăn, vận động quỹ vì trẻ thơ để giúp cho nhân dân Khánh Hòa” đã gửi ngay 100 xe lăn và 74 suất học bổng. 74 suất học bổng đã duy trì hàng năm với mức 700 ngàn đồng/suất đối với học sinh tiểu học, 900 ngàn đồng/suất đối với học sinh trung học cơ sở và 1,2 triệu đồng/suất đối với học sinh trung học phổ thông…

Qua 5 năm, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Khánh Hòa do ông Bùi Hồng Thái làm Chủ tịch đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 14,5 tỷ đồng, chưa kể 2,8 tỷ đồng do Hội trực tiếp vận động xây dựng trường học tại xã Diên Sơn và 70% kinh phí của 60 ca mổ tim bẩm sinh Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ.

Để làm được điều đó, cá nhân ông Bùi Hồng Thái cũng như các thành viên của Hội nếu chỉ bằng tình thương người nghèo thì chưa đủ mà phải có lòng nhiệt tình, kiên nhẫn, đôi khi phải biết hy sinh lợi ích cá nhân. Hội cũng phải thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động và đặc biệt là tạo niềm tin đối với nhà hảo tâm để họ tin tưởng, ủng hộ. Nhờ thế, 5 năm qua, Hội thực sự là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm với người nghèo.

TƯỜNG LINH

5 năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Khánh Hòa đã trao 494 xe lăn, xe lắc cho người tàn tật; 184 xe đạp cho học sinh nghèo; phẫu thuật thủy tinh thể cho gần 2.400 người mù; phẫu thuật chỉnh hình cho 640 ca; hỗ trợ 60 ca mổ tim; phẫu thuật sa dạ con 30 ca; cấp 12 máy trợ thính; cấp hơn 1.900 suất học bổng cho học sinh nghèo; tổ chức 5 bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện với gần 250.000 ngày ăn. Hàng năm, quỹ hỗ trợ 600 triệu đồng để nâng mức ăn hàng ngày cho trẻ mồ côi, khuyết tật được nuôi dưỡng ở các cơ sở xã hội trong tỉnh. Ngoài ra, Hội còn vận động hiến gần 1.600 đơn vị máu, ủng hộ trang thiết bị dạy học cho miền núi gần 1 tỷ đồng, 700 triệu đồng cho 14 học sinh hiếu học ở miền núi sang Pháp tham quan.