01:09, 22/09/2010

Người đưa đò thầm lặng ở miền sơn cước

Sinh ra và lớn lên ở xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), chị Ka Thị Xanh quá thấu hiểu về nỗi vất vả của học trò miền núi. Cho đến bây giờ, chị Xanh vẫn nhớ như in những lần vượt quãng đường đèo dốc xa xôi để đến trường. Ở cái thời mà cái đói vẫn luôn thường trực ấy, Ka Thị Xanh đã vượt qua khó khăn, vất vả để học cái chữ mai này về giúp đồng bào…

Sinh ra và lớn lên ở xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), chị Ka Thị Xanh quá thấu hiểu về nỗi vất vả của học trò miền núi. Cho đến bây giờ, chị Xanh vẫn nhớ như in những lần vượt quãng đường đèo dốc xa xôi để đến trường. Ở cái thời mà cái đói vẫn luôn thường trực ấy, Ka Thị Xanh đã vượt qua khó khăn, vất vả để học cái chữ mai này về giúp đồng bào…

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm (12+2), chị Xanh được cử về dạy học ở xã Sơn Thái. Ngày ấy, Sơn Thái là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, phụ huynh không quan tâm đến việc học hành của con em, nên việc vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường rất vất vả. Ngoài trường chính, các giáo viên còn phải bám các điểm trường ở các thôn bản xa xôi. “Đường sá đi lại rất khó khăn, nên giáo viên phải ở lại tại các điểm trường. Vào những ngày mưa lũ, không thể đi chợ, nhiều khi chúng tôi phải ăn cơm với muối trắng… Chuyện học trò tự ý nghỉ học diễn ra thường xuyên, có những em theo bố mẹ lên rẫy cả tuần mới về nhà” - chị Xanh nhớ lại. Vì vậy, sau những buổi dạy học, chị Xanh và đồng nghiệp phải tìm đến nhà học sinh để vận động các gia đình cho con em tới trường. “Mình nói chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, lại lấy mình và các đồng nghiệp ra làm ví dụ nên dần dà bà con cũng thấy được lợi ích của việc học hành, từ đó họ đã cho con đến trường thay vì đi rẫy”. Nhắc đến những ngày đầu vào nghề dạy học, chị Xanh vui mừng cho biết, lứa học trò của chị ngày xưa đã có những người làm Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã ở Sơn Thái, Giang Ly…

Chị Ka Thị Xanh
Năm 1998, chị Xanh được về dạy ở mảnh đất quê hương, xã Cầu Bà - Khánh Vĩnh. Chị lại dốc sức cho việc dạy học cho con em ở quê nhà. Trong những năm tháng miệt mài “gieo chữ vùng cao”, cô giáo Ka Thị Xanh có nhiều kỷ niệm với lứa học trò “ngồi nhầm lớp”. Năm học 2008-2009, cô giáo Xanh được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Cầu Bà giao nhiệm vụ giảng dạy cho 22 học sinh lớp 5 thuộc diện “ngồi nhầm lớp”. “Ngày nhận lớp, tôi rất lo, vì trình độ các em học sinh quá kém: tuy đã học lớp 5 nhưng nhiều em chưa thạo đánh vần, cộng trừ không quá 2 chữ số…”, chị Xanh nhớ lại. Ban đầu mọi việc rất khó khăn, nhưng với trách nhiệm của một giáo viên, trách nhiệm với đồng bào, chị Xanh đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài giờ dạy ở lớp, mỗi tuần chị dành từ 3-4 buổi chiều để phụ đạo thêm cho các em. Trong quá trình giảng dạy, chị phải tìm ra phương pháp để rèn luyện uốn nắn cho học sinh, mỗi khi học sinh có chút tiến bộ, chị lại khen ngợi động viên để các em có thêm động lực học hành. “Lớp học có nhiều em khá lớn tuổi, nên mình phải tế nhị. Các em không hiểu thì phải kiên trì giải thích, tìm những cái gần gũi để làm ví dụ chứ chỉ cần nặng lời là các em sẽ nghỉ học ngay…”. Mỗi lần đến ngày thi, chị lại phải đến lớp sớm hơn thường lệ. Vắng mặt học sinh nào là chị phải chạy xe đến nhà chở đến trường để dự thi ngay, “vất vả còn hơn mình đi thi vậy” - chị nói. Kết thúc năm học ấy, có 18/22 học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và được xét tuyển lên lớp 6. Đây là một kết quả rất bất ngờ với ngay chính bản thân chị Xanh và lãnh đạo Trường Tiểu học Cầu Bà.

Trong những năm công tác ở miền núi, chị Xanh được các đồng nghiệp rất quý mến bởi chị rất tích cực trong việc học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài những đợt học tập chuyên đề do ngành và đơn vị tổ chức, chị Xanh thường xuyên dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các đồng nghiệp. Nhờ vậy, khả năng giảng dạy của chị ngày một tốt hơn. Từ năm 2006-2010, chị Xanh đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi của trường. Năm học 2007-2008, chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện; năm học 2008-2009, chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Hè năm 2010, chị tiếp tục theo học Cao đẳng Sư phạm Tiểu học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.

Người ta thường ví nghề giáo viên như người đưa đò thầm lặng. Với những nỗi vất vả, nhọc nhằn đã trải qua, chị Xanh và các đồng nghiệp giống như người đưa đò vượt những con sông, con suối trong mùa mưa lũ. Tâm sự về nghề, chị Ka Thị Xanh cho biết: “Là người con của đồng bào T’rin, tôi quá thấu hiểu sự đói nghèo do không có cái chữ. Vì vậy, tôi và các đồng nghiệp luôn tâm nguyện sẽ dốc hết sức mình trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục trên quê hương mình. Tôi hy vọng, từ mái trường này, các em sẽ học hành vươn lên để có thể nắm bắt những tri thức, góp phần xây dựng, đổi mới quê hương”. “Trước đây tôi cũng như các em, nhưng tôi mong rằng mai sau các em sẽ giỏi hơn tôi bây giờ’, đó là điều mà chị Ka Thị Xanh luôn tâm sự với những người học trò thân yêu trong những buổi chia tay.

XUÂN THÀNH