11:09, 19/09/2010

Người đội trưởng với niềm đam mê công việc

Đến lúc 50 tuổi, không phải ai cũng có một sức khỏe cường tráng để làm những công việc nặng nhọc, đặc biệt là phải làm việc trong môi trường có độ an toàn không cao, hiểm nguy khó lường. Tuy nhiên, đối với ông Võ Văn Cam - Đội trưởng Đội Kỹ thuật khai thác yến sào ...

Đến lúc 50 tuổi, không phải ai cũng có một sức khỏe cường tráng để làm những công việc nặng nhọc, đặc biệt là phải làm việc trong môi trường có độ an toàn không cao, hiểm nguy khó lường. Tuy nhiên, đối với ông Võ Văn Cam - Đội trưởng Đội Kỹ thuật khai thác yến sào (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa), tuy lớn tuổi so với anh em trong đội (sinh năm 1960) nhưng ông vẫn vượt qua khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong công việc, ông đã có nhiều sáng kiến để kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác tổ yến, phát triển hang và nhân đàn chim yến.

Tôi vẫn thường nói vui với ông Võ Văn Cam: “Anh Cam là thanh niên lâu năm!”, bởi đã 50 tuổi, nhưng ông vẫn “sở hữu” một sức khỏe dẻo dai, không ngại khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ Công ty giao. Với trách nhiệm là Đội trưởng Đội Kỹ thuật và Trưởng Ban Kiểm tra hang yến của Công ty, ông Cam thường xuyên bám biển, “treo” mình trên những vách đá cheo leo để kiểm tra các hang chim yến trong mọi điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, ông phải “xuôi Bắc, ngược Nam” để kiểm tra kỹ thuật việc triển khai dự án phát triển nhà yến của Công ty.

 Ông Võ Văn Cam luôn nghiên cứu, tìm những giải pháp tối ưu trong hoạt động khai thác tổ yến.
Với nhiệm vụ được giao, ông Cam phải thường xuyên đi kiểm tra việc giăng cội, vật tư, lên dự trù vật tư dụng cụ khai thác tổ yến, kiểm tra lại các hang yến, đóng giăng, bồi giăng để thuận lợi cho công việc của công nhân kiểm tra và khai thác yến. Ngoài ra, ông cũng kiểm tra chắn lưới chống chảy tổ yến do nóng hoặc sóng đánh ướt, làm hệ thống nước tạo độ ẩm các hang có tổ yến bị nóng làm rộp chân tổ yến…

Công việc được giao hầu như “kín” thời gian của ông. Tuy nhiên, với vai trò trách nhiệm của mình, ông luôn tham mưu có hiệu quả cho Tổng Giám đốc về kế hoạch khai thác tổ yến đúng thời gian ở từng hang đảo, mang lại sản lượng thu hoạch tổ cao. Ông Cam cho biết: “Việc khai thác tổ phải đúng thời vụ. Dựa vào kinh nghiệm, người khai thác phải làm sao để sản lượng tổ tăng lên mà không ảnh hưởng đến đàn chim yến. Muốn vậy, việc khai thác tổ phải dựa vào mùa động dục của loài chim này, làm sao khi khai thác tổ yến xong, buộc chim phải làm tổ mới để thực hiện “thiên chức duy trì nòi giống”. Có như vậy, việc khai thác tổ yến mới đạt được hiệu quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất lượng tổ không khai thác được và ảnh hưởng đến môi trường sống của loài chim yến”. Xác định được điều đó, ông đã cùng với đồng nghiệp lên kế hoạch khai thác tổ yến làm sao không bị bỏ sót, đảm bảo chất lượng tổ, nhất là công tác an toàn lao động. Ông nói: Nếu anh em khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, không đảm bảo an toàn sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì đối với nghề khai thác yến sào, chỉ cần bước sai một ly là… “đi”. Bên cạnh việc phân công nhiệm vụ hợp lý giữa các thành viên, ông còn bàn phương pháp kiểm tra, đo kích thước tổ chim yến theo từng thời gian để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị có kế hoạch khai thác tổ.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, ông cũng thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Thay đổi đóng giăng tre ở những dầm mái che mưa - nắng - gió bằng những dầm kim loại i-nox để tạo độ vững chắc hơn cho đàn chim yến trú ẩn vào mùa sóng to, đồng thời tạo thêm nhiều vị trí làm tổ cho đàn chim. Trong việc làm giàn giáo khai thác tổ yến, ông cũng đã có một số đổi mới như: dùng máy khoan đá, khoan lỗ trên vách đá rồi cấy i-nox vào để khóa các cây cội tra dựng giàn giáo khai thác, giúp mặt sàn rộng hơn để công việc khai thác tổ yến được thuận lợi, đảm bảo an toàn trong khi khai thác. Việc khoan cấy i-nox vào vách đá tạo lối vào hang yến thuận lợi hơn khi gặp thời tiết có sóng to, giúp chủ động trong việc kiểm tra hang và khai thác tổ yến.

Giai đoạn 2006 - 2010, ông đã cộng tác thực hiện Dự án “Thực nghiệm nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ”. Với Dự án này, ông đã chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nuôi chim yến để lấy tổ đến các tỉnh, thành như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang… Cũng từ đó, một số nhà yến ở các tỉnh như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang, Kiên Giang… đã bắt đầu cho thu hoạch tổ yến; trong các ngôi nhà, đàn chim yến phát triển nhanh. Ngoài ra, trong quá trình hoàn chỉnh quy trình công nghệ nuôi chim yến trong nhà như: từ khâu ấp nở nhân tạo đến khâu nuôi chim con và chim làm tổ tại các ngôi nhà yến, ông đã cùng đơn vị xây dựng công nghệ ấp nở nhân tạo chim yến, nuôi chim yến con qua từng giai đoạn phát triển; phát triển công nghệ, kỹ thuật xây dựng nhà yến điển hình. Bên cạnh đó, ông còn đồng cộng tác thực hiện công trình kỹ thuật phát triển hang yến mới gắn liền với các giải pháp tăng nhanh quần thể chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Germani. Đây là giải pháp để tăng nhanh quần thể chim yến, tìm ra nguyên lý phát triển mới cho quần thể chim yến và nơi chim yến sinh sống. Trên cơ sở công trình nghiên cứu, ngoài 12 đảo yến đã quản lý trước đây, Công ty còn cải tạo mới 18 hang chưa có chim yến sinh sống thành hang yến hàng mới; phát triển hang yến ở 15 đảo mới… Đến nay, tổng số hang yến Công ty đã thực hiện di đàn chim yến thành công là 62 hang...

Ngoài ra, ông Võ Văn Cam còn thực hiện sáng kiến Hệ thống camera IP giám sát an ninh trên đảo qua mạng Internet vệ tinh sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch. Với 27 đảo yến, 110 hang yến trải dài từ Vạn Ninh đến Cam Ranh, ông đã cùng đồng nghiệp tiến hành lắp đặt hệ thống này tại các vị trí quan trọng trên các đảo để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên yến sào, nắm bắt tình hình ngoài đảo một cách nhanh chóng và kịp thời; đồng thời, các hình ảnh ghi được còn phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học về đặc điểm sinh học và đời sống bầy đàn của chim yến như: thời gian chim bay về tổ, thời gian chim làm tổ, đẻ trứng, thời gian chim non nở, thời gian chim bố mẹ cho ăn, thời điểm chim con tập bay… Ông Cam cho biết: Việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch là năng lượng mặt trời và gió tiết kiệm được chi phí, bảo vệ môi trường tự nhiên trong lành, đảm bảo phát triển bền vững cho đàn chim yến...

Với những đóng góp quý giá vì sự phát triển bền vững của đàn chim yến, từ năm 2006 đến nay, ông Võ Văn Cam luôn đạt được danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; nhiều bằng khen của các cấp.

HOÀNG TRIỀU