11:09, 19/09/2010

Không ngừng chăm lo “vun trồng” cho những “mầm xanh”

Không quản khó khăn, vất vả, biết đón bắt xu hướng phát triển của ngành Giáo dục để đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác giảng dạy… đó là những gì mà thầy giáo Cát Văn Bản - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở (THCS) Lý Thường Kiệt (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đã thực hiện.

Không quản khó khăn, vất vả, biết đón bắt xu hướng phát triển của ngành Giáo dục để đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác giảng dạy… đó là những gì mà thầy giáo Cát Văn Bản - Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở (THCS) Lý Thường Kiệt (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đã thực hiện.

Thầy Cát Văn Bản nhận định: Chăm lo “vun trồng” cho những “mầm xanh” tương lai có đầy đủ hành trang bước vào đời là một công việc không phải ai cũng có thể làm được. Cái nghề “gõ đầu trẻ” cũng phải có lòng đam mê, tâm huyết, yêu nghề mới có thể đạt được thành quả cao. Là người đứng đầu một trường học cần phải biết nhìn xa, trông rộng, biết đón bắt những xu thế phát triển của ngành, của thời đại để nhanh chóng áp dụng, đưa nó vào vận hành; phải có cái tâm trong sáng, hết lòng vì tương lai của học trò…

Thầy Cát Văn Bản - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. 

Hơn 30 năm gắn bó với ngành Giáo dục, dù ở cương vị nào, thầy cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp, bạn bè tin cậy, học sinh quý mến. Nhớ lại những ngày đầu vào ngành Giáo dục, thầy kể: “Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn - Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, năm 1977, tôi được phân về công tác tại Trường Phổ thông Cơ sở (nay gọi là THCS) Võ Xu, Đức Linh, Bình Thuận - một huyện miền núi. Về công tác tại đây, tôi gặp không ít khó khăn, vất vả, vì cơ sở vật chất thiếu thốn, trường lớp tạm bợ (nhà tranh mái lá). Để có lớp học, thầy và trò phải cùng nhau vào rừng chặt gỗ, tre đem về dựng trường, lớp. Biết bao gian nan, vất vả, nhưng vượt qua những khó khăn đó mới thấy được tình cảm đáng trân trọng của các em học sinh và người dân địa phương dành cho chúng tôi”.

Sau 7 năm công tác ở tỉnh Bình Thuận, năm 1983, thầy xin chuyển về công tác tại huyện Vạn Ninh. Sau đó, thầy được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, rồi đến nay là Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt. Xác định việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường, thầy cùng với Ban Giám hiệu luôn bám sát sự hướng dẫn của cấp trên để xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt các kế hoạch về giáo dục. Bằng sự năng động, sáng tạo của mình, thầy đã góp phần cùng với tập thể huy động được nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và xã hội hóa giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên và học sinh nghiên cứu, học tập; từng bước đưa hệ thống tin học vào giảng dạy và quản lý để học sinh sớm được tiếp cận và làm quen với công nghệ thông tin. Đặc biệt, hiện nay, thầy đã áp dụng thành công việc đưa máy chiếu điện tử vào giảng dạy một số môn học như: Toán, Ngữ văn, Địa lý, Vật lý… giúp học sinh nắm bắt bài học được tốt hơn. Thầy cũng chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Nhờ những việc làm đó, tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi đều tăng theo từng năm học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt xấp xỉ 97%.

Song song với công tác đào tạo trên lớp, thầy còn chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa của học sinh như: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện mở nhiều lớp tuyên truyền về pháp luật giao thông, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường… nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh. Để khuyến khích tinh thần học tập của các em, thầy đã đứng ra thành lập và xây dựng Quỹ Khuyến học nhà trường. Hàng năm, trường trích nguồn quỹ để mua sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp tặng cho những em học sinh đạt thành tích cao trong học tập, học sinh nghèo hiếu học. Cùng với đó, trường còn phát động các phong trào như: tặng áo trắng, sách, vở giúp các bạn nghèo đến trường. Qua đó góp phần xóa mờ khoảng cách giàu nghèo trong nhận thức của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, thầy còn phối hợp, liên kết với Trường Trung cấp Nghề huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa mở lớp tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 mà không có khả năng học lên cấp 3, giúp các em định hướng được nghề nghiệp, tạo lập cuộc sống sau này.

Bản thân thầy luôn có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phấn đấu học tập không ngừng để nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, chủ động nắm bắt những thông tin, kiến thức mới để áp dụng vào công tác giảng dạy, nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho học sinh. Trong những năm qua, thầy còn chú trọng đến việc nghiên cứu một số đề tài khoa học phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy và quản lý. Một số đề tài thầy đã tập trung nghiên cứu thành công như: “Xử lý thông tin số liệu chất lượng giáo dục ở Trường THCS”; “Xã hội hóa giáo dục - Một số giải pháp và hiệu quả ở Trường THCS Lý Thường Kiệt”; “Xã hội hóa giáo dục với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Các đề tài này góp phần đánh giá đúng thực trạng đang diễn ra hiện nay ở các trường THCS. Qua mỗi đề tài, thầy đều đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm thực tiễn để mang lại hiệu quả trong việc quản lý chất lượng giáo dục học sinh. Một số đề tài đã góp phần điều chỉnh kịp thời các biện pháp quản lý hoạt động dạy và học của nhà trường.

Trong cuộc sống, thầy luôn sống hòa nhã, giản dị, thân tình với bà con lối xóm. Gia đình thầy luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Riêng bản thân thầy, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm nay, thầy đã bước sang tuổi 55 - cái tuổi khẳng định bề dày cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Thầy Bản cho biết: “Còn sống và làm việc ngày nào thì tôi vẫn không ngừng chăm lo “vun trồng” cho những “mầm xanh” có đầy đủ kiến thức bước vào đời”.

VĂN GIANG