20 triệu đồng có thể chẳng lớn lắm so với thu nhập mà một người làm ra trong cả năm, song đối với cựu chiến binh Hà Văn Dở thì đó là kết quả của cả một quá trình lao động cực nhọc, vất vả. Bởi anh là thương binh hạng 1/4, mất cả 2 cánh tay, cùng nhiều vết thương trên ngực trong cuộc chiến đấu ác liệt tại chiến trường K.
20 triệu đồng có thể chẳng lớn lắm so với thu nhập mà một người làm ra trong cả năm, song đối với cựu chiến binh (CCB) Hà Văn Dở thì đó là kết quả của cả một quá trình lao động cực nhọc, vất vả. Bởi anh là thương binh hạng 1/4, mất cả 2 cánh tay, cùng nhiều vết thương trên ngực trong cuộc chiến đấu ác liệt tại chiến trường K.
Đầu năm 1989, về với đời thường, tuy được Đảng, chính quyền địa phương quê anh (thôn Long Hòa, xã Vạn Long, Vạn Ninh) và gia đình, bà con, đồng đội… đùm bọc, song anh vẫn cảm thấy hụt hẫng, mặc cảm. Thế rồi chị Võ Thị Hai cùng xã đem lòng thương yêu và anh chị thành chồng - vợ. Cùng lúc đó, anh được Công ty Thuốc lá Khánh Hòa xây cho một căn nhà 40m2 trên mảnh đất ông cha để lại. Có người vợ trẻ hết mực yêu thương, lại được ở trong căn nhà khang trang mới xây, anh Hà Văn Dở tưởng như đang mơ. Giữa năm 1990, vợ anh sinh liền một lúc cho anh 2 cậu con trai bụ bẫm, khỏe mạnh. Vợ nuôi hai con nhỏ luôn thiếu sữa, gia đình anh sống dựa vào số tiền thương tật ít ỏi và tiền phục vụ anh theo chế độ chẳng là bao. Cuộc sống ngày càng khó khăn khiến anh đau đáu trong lòng. Làm gì đây với 2 cánh tay cụt? Quê anh thuần nông, ruộng đất, mương máng nhiều, rất thuận lợi phát triển chăn nuôi vịt. Thế là anh quyết định mua 150 con vịt con về nuôi. Từ sáng đến tối mịt, đầu đội nắng, chân đạp bùn, anh quần nhau với đàn vịt. Cứ thế thời gian qua đi, đàn vịt lớn dần rồi đẻ trứng, anh bán lấy tiền đưa vợ trang trải sinh hoạt gia đình; số còn lại anh nhân dần đàn vịt lên, từ 150 con lên hàng ngàn con. Nếu ai chứng kiến cảnh anh tự rèn luyện cực nhọc bằng hai cùi tay từ viết chữ, bê vác, mặc quần áo, chăm sóc con nhỏ… đến cầm cuốc, cày thành thạo như bao người, mới thấy hết lòng kiên trì, bền bỉ và quyết tâm vượt lên số phận của anh. Đến năm 1995, kinh tế gia đình tạm ổn, anh đề nghị và được xã cấp cho 750m2 ruộng để trồng lúa nước. Vừa chăn nuôi đàn vịt, vừa làm lúa nước hết mùa này sang mùa khác, anh có được khá nhiều tiền. Kinh tế ngày càng ổn định, có đồng ra đồng vào. Được đà, anh đấu thầu và trúng thầu 2ha trồng lúa nước, hàng năm thu vào hơn 10 triệu đồng.
Thương binh 1/4 Hà Văn Dở cuốc đất chăm sóc cây sả và thanh long tại vườn nhà. |
Tại hội nghị điển hình CCB xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi lần thứ 3 (2003 - 2006) do Hội CCB tỉnh Khánh Hòa tổ chức, các đại biểu rất xúc động khi nghe anh báo cáo điển hình vượt qua thương tật vươn lên làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình và xã hội. Niềm vinh dự lớn nhất với anh là ngày 26 và 27-6-2007, anh được ra Hà Nội thăm lăng Bác, gặp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và dự Hội nghị tổng kết phong trào CCB giúp nhau nâng cao đời sống - xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và gặp mặt các đại biểu thương binh, gia đình liệt sĩ cùng đại diện những người có thành tích trong hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” toàn quốc.
NGUYỄN KHỔNG THỦY