12:09, 22/09/2010

Già làng mẫu mực Mấu Xuân Dương

Cũng như bao người con khác của núi rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa), thời chiến tranh già làng Mấu Xuân Dương sớm thoát ly theo cách mạng để đánh đuổi giặc Mỹ. Hòa bình lập lại, già làng Mấu Xuân Dương lại cùng với bà con thôn bản xây dựng cuộc sống mới, tham gia lao động sản xuất để “đánh đuổi” cái đói, nghèo. Cái bụng của già tốt, am hiểu nhiều nên được bà con quý mến.

Cũng như bao người con khác của núi rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa), thời chiến tranh già làng Mấu Xuân Dương sớm thoát ly theo cách mạng để đánh đuổi giặc Mỹ. Hòa bình lập lại, già làng Mấu Xuân Dương lại cùng với bà con thôn bản xây dựng cuộc sống mới, tham gia lao động sản xuất để “đánh đuổi” cái đói, nghèo. Cái bụng của già tốt, am hiểu nhiều nên được bà con quý mến.

Một ngày đầu tháng 7-2010, chúng tôi đến thăm thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, tìm đến gia đình già làng Mấu Xuân Dương. Một đứa trẻ đang chơi ngoài sân nhanh nhảu cho biết: “Ama đi làm rẫy từ sáng sớm rồi”. Ngồi trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi đợi già đi làm về, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống khá giả của gia đình già. Treo xung quanh trên vách nhà là hàng chục bằng khen, giấy khen mà già được Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh, huyện, địa phương trao tặng. Đang mải mê xem những bằng khen, giấy khen thì bất chợt già đi làm về. Nhìn mái tóc đang ngả dần sang màu bạc, đôi mắt sáng, nước da rám nắng hồng hào và bộ quần áo đã sờn bạc, khó có ai biết được già đã bước sang tuổi 72. Qua trò chuyện, già làng Mấu Xuân Dương kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hoạt động cách mạng và những vất vả trong quá trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của mình.

Năm 1959, chàng trai trẻ Mấu Xuân Dương nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ tham gia đội du kích tại địa phương khi vừa tròn 20 tuổi. Do tường tận địa bàn, nhanh nhẹn trong mọi hoạt động nên năm 1986, ông được giao nhiệm vụ vượt hàng ngàn cây số đường rừng núi ra Phú Yên vận chuyển vũ khí về tiếp tế cho cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật trong lòng địch. Song song với nhiệm vụ đó, ông còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ tiếp xúc, gần gũi với dân, vận động bà con tham gia sản xuất, trồng bắp, mì để lấy lương thực tiếp tế cho cán bộ và bộ đội chiến đấu. Đến năm 1972, tình hình chiến sự tại các huyện, thị trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hưởng ứng phong trào “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” diễn ra ở Cam Ranh, ông được giao nhiệm vụ cắm cờ, rải truyền đơn và vận động bà con trong vùng địch chiếm đóng chống lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Khi đất nước giành được độc lập, ông trở về tham gia công tác chính quyền tại xã Ba Cụm Bắc, vận động bà con khai hoang trồng bắp, mì, phát triển kinh tế chống lại đói nghèo. Với tấm lòng trong sáng, am hiểu tình hình kinh tế - xã hội, năng động nên ông luôn được bà con kính trọng, quý mến.

Tuy tuổi cao nhưng hàng ngày già làng Mấu Xuân Dương vẫn lên nương rẫy tham gia lao động sản xuất.

Chiến tranh đi qua, bước vào con đường làm kinh tế với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó, ông đã biến đất hoang thành những rẫy bắp, mì xanh tốt. Để phát triển cây lúa, một mình ông hơn 1ha đất ruộng, làm mương dẫn nước về cho cây lúa sinh sôi. Không những thế, nắm bắt được điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, ông mạnh dạn đưa cây chuối về trồng. Kết quả, chỉ sau một năm cây chuối đã phát triển mạnh và cho năng suất cao. Không giấu giếm bí quyết làm ăn, ông đem kinh nghiệm truyền lại cho bà con lối xóm cùng nhau phát triển kinh tế.

Với bản tính cần cù, chịu khó, không ngại khó khăn, già làng Mấu Xuân Dương luôn tìm tòi, học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nông - lâm nghiệp do huyện, xã tổ chức để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Từ một gia đình thuộc diện nghèo khó, đến nay gia đình ông đã trở nên khấm khá, có cuộc sống ổn định. Nay tuổi cao, sức không còn dẻo dai như trước, nhưng ông vẫn tích cực cùng con cháu tham gia lao động sản xuất, đến nay gia đình ông đang sở hữu hơn 25ha đồi rừng, cải tạo đất và trồng hơn 18ha chuối, 1,5ha lúa, mì và hơn 2ha vườn rừng. Mỗi năm gia đình ông thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi khoảng 50 triệu đồng. Làm ăn khấm khá, hàng năm ông đều tham gia giúp đỡ giống, vốn, kỹ thuật cho những hộ gặp khó khăn để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông Mấu Quốc Nấm, Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Già làng Mấu Xuân Dương không chỉ là tấm gương trong lao động sản xuất mà ông còn là người có uy tín trong thôn bản. Trong cuộc sống, ông thường khuyên nhủ bà con sống phải biết tiết kiệm, không nên phung phí, tổ chức ma chay, cưới hỏi nhiều ngày, cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, tuyệt đối không nghe theo kẻ xấu xúi giục…”. Với những việc làm đó, năm 2002, già làng Mấu Xuân Dương được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” cùng hàng chục bằng khen, giấy khen do tỉnh, huyện, xã trao tặng.

Ngoài tham gia lao động sản xuất, già làng Mấu Xuân Dương còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tham gia xây dựng thôn bản, gia đình văn hóa. Già cho biết: “Ama giờ cũng già rồi, không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng còn sống được ngày nào Ama tiếp tục lao động để làm gương cho con cháu noi theo”.

Chia tay già làng Mấu Xuân Dương, chúng tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ta nhất định thắng, đói nghèo nhất định thua” mà già luôn khuyên bảo con cháu và bà con trong thôn, bản làm theo.

VĂN GIANG