Cũng như nhiều người con khác của dân tộc Raglai, thời chiến tranh, già làng Cao Ri Nâng (sinh năm 1940) sớm thoát ly đi theo bộ đội. Ở tuổi 15, già theo bộ đội để đánh Mỹ, giữ rừng núi của ông cha; dựng lại cái nhà, cái bản bị giặc đốt phá. Đất nước độc lập, già Cao Ri Nâng lại cùng với bà con xây dựng bản làng. Dân làng luôn coi già như linh hồn của làng bản.
Cũng như nhiều người con khác của dân tộc Raglai, thời chiến tranh, già làng Cao Ri Nâng (sinh năm 1940) sớm thoát ly đi theo bộ đội. Ở tuổi 15, già theo bộ đội để đánh Mỹ, giữ rừng núi của ông cha; dựng lại cái nhà, cái bản bị giặc đốt phá. Đất nước độc lập, già Cao Ri Nâng lại cùng với bà con xây dựng bản làng. Dân làng luôn coi già như linh hồn của làng bản.
Tuy chưa một lần đặt chân đến thôn Giồng Cạo (xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), nhưng việc tìm nhà già làng Cao Ri Nâng không mấy khó khăn, bởi ở đây, từ đứa trẻ cho đến người lớn, ai cũng biết già và sẵn sàng dẫn chúng tôi đến tận nhà.
Già kể cho chúng tôi nghe về thời trai trẻ của mình: “Thời đó, dân mình khổ lắm, ăn không no bụng, hạt muối không mặn miệng, súng đạn giặc bắn phá, càn quét nát cả cây rừng… Nhưng dù khổ đến mấy, dân làng mình vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”. Qua câu chuyện của già, chúng tôi được biết, trước đây, ông ngoại và bố mẹ của già từng bí mật nuôi giấu cán bộ chống Pháp. Chính việc làm của ông cha đã sớm ảnh hưởng đến suy nghĩ của già. Già bảo: “Ngày đó, mình chỉ thích đi với bộ đội, nhưng vì nhỏ tuổi nên các anh chưa cho theo. Mình phải khai thêm cho đủ 17 tuổi để được đi bộ đội”. Trong ký ức của già, tuy thời gian làm bộ đội Cụ Hồ ngắn và đến nay đã qua khá lâu, nhưng những tháng ngày đó mãi không phai mờ: “Được đi bộ đội rất thích, vì được đánh giặc, được học chữ”. 5 năm làm bộ đội, hàng ngày già cùng các đồng đội bám địch, theo dõi sự di chuyển của địch, tổ chức chống càn bảo vệ dân làng… Tuy hoạt động trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn nhưng già vẫn tranh thủ “nhờ bộ đội dạy cho cái chữ của Bác Hồ”.
Già làng Cao Ri Nâng quây quần bên những đứa cháu của mình. |
Sau ngày đất nước được giải phóng, già làng Ri Nâng tham gia công tác chính quyền tại xã Khánh Thành. Nhiều năm liền, già làm Bí thư Chi bộ xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Ở cương vị nào, già cũng luôn cố gắng để không phụ lòng bà con. “Bà con tin thì mới giao cho mình làm người đại diện. Mình phải cố gắng, không được để bà con buồn” - với tâm niệm đó, những lời nói, việc làm của già đều được bà con hết sức ủng hộ và nghe theo.
Hiện nay, trong nhiều sự việc ở thôn Giồng Cạo, những lời nói của già làng Cao Ri Nâng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi đơn giản, già đến với bà con, khuyên nhủ bà con bằng cái tình và sự cảm thông của một người anh em thân thiết. Lời già nói vừa có cái lý, cái tình của người Raglai, và cũng rất đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Già bảo: “Mình nói đúng tâm tư, nguyện vọng của bà con thì sẽ được nhiều người ủng hộ”. Chính vì tiếng nói của già có sức ảnh hưởng lớn đối với dân làng nên hễ trong làng xảy ra vụ việc gì, già đều đứng ra hòa giải. Với uy tín và ý thức trách nhiệm của mình, già làng Cao Ri Nâng đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phong tục tập quán cho nhiều người dân trong thôn. Từ đó, thắt chặt tình đoàn kết giữa những người dân tộc Raglai với nhau cũng như giữa người Raglai với các dân tộc khác.
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế hộ, gia đình già làng Cao Ri Nâng là một điển hình cho bà con noi theo. Hiện nay, tổng diện tích đất canh tác của gia đình già đến 7ha; trong đó: 2ha đất rừng trồng cây dầu đã được hơn 10 năm tuổi; 2ha keo lai giâm hom đã cho thu hoạch hơn 20 triệu đồng; 2ha đất rẫy trồng mì cao sản và 1ha đất bằng chuyên canh cây lương thực. Ngoài ra, già còn đào ao thả cá, chăn nuôi heo, bò để làm nguồn thực phẩm và phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 1995, sau khi cuộc sống định canh định cư của bà con dần ổn định, già đã vận động bà con cùng tham gia trồng rừng theo Dự án 327 của Nhà nước. Bây giờ, diện tích đất trống đồi trọc ở xã Khánh Thành đã được phủ xanh.
Già làng Cao Ri Nâng là đảng viên 44 năm tuổi Đảng. Già đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Người cao tuổi Việt Nam. Năm 2009, già làng Cao Ri Nâng được vinh dự là đại biểu duy nhất của tỉnh Khánh Hòa tham dự Hội nghị biểu dương các già làng tiêu biểu Tây Nguyên (tổ chức tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai); được Ủy ban Dân tộc Trung ương tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển dân tộc” do những thành tích trong việc bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
NHÂN TÂM