23:18, 20/12/2024

Lộn xộn hoạt động du lịch ở Điệp Sơn

THÀNH NAM

Doanh nghiệp đưa đón khách trên những phương tiện đã hết hạn kiểm định, xây dựng trái phép hàng chục căn nhà cho khách lưu trú. Đó là những gì đang diễn ra tại đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh). Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm những vi phạm này để bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải đường thủy và đảm bảo các quy định về hoạt động xây dựng.

Đưa đón khách trên ca nô chưa được kiểm định

Trong vai khách đi du lịch tham quan đảo Điệp Sơn, chúng tôi có mặt tại bến tàu Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) vào một ngày cuối tuần. Vừa dừng xe, một thanh niên tên H. bước ra từ nơi đón khách của Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi nhanh nhảu nói: “Các anh đi tham quan con đường giữa biển phải không, đến đây là đúng chỗ rồi. Chúng tôi hiện đang cung cấp các dịch vụ tour tham quan bằng ca nô và tàu đi đảo Điệp Sơn”. Vừa dứt lời, người này chỉ chúng tôi vào trong quầy mua vé làm thủ tục. Tại đây, một nữ nhân viên giới thiệu có 2 dịch vụ, nếu đi tham quan bằng ca nô sẽ có giá 350.000 đồng/người, đi tàu gỗ sẽ là 200.000 đồng/người. “Ra ngoài Điệp Sơn, các anh được ngắm con đường giữa biển ở điểm chính, được tắm biển thỏa thích, ăn uống và có thể ngủ lại qua đêm tại Khu du lịch Luzumi Beach. Nếu lưu trú qua đêm thì sẽ có nhiều mức giá khác nhau từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/phòng”, nữ nhân viên nói.

Hành khách lên ca nô không được kiểm định chở ra đảo Điệp Sơn.
Hành khách lên ca nô không được kiểm định chở ra đảo Điệp Sơn.

Thời điểm chúng tôi đến có một đoàn khách chừng 30 người đang chuẩn bị xuất phát. Do số lượng lớn nên khách được chia làm các tốp khác nhau. Ghi nhận của phóng viên, các ca nô chở khách của công ty này có số hiệu nhưng không có các tem kiểm định hoặc có thì cũng đã hết hạn đăng kiểm. Điều đặc biệt là ca nô khá nhỏ, thiết kế chở chừng 8 khách, nhưng lúc nào cũng có từ 10 đến 15 khách. Do vượt quá số người quy định nên nhiều khách không có áo phao để mặc, nếu xảy ra sự cố sẽ có nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bến phao trái phép do Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi lập.
Bến phao trái phép do Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi lập.

Theo quy định, toàn bộ hành khách phải được đăng ký và cơ quan chức năng phải cấp phép thì ca nô mới được rời bến. Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên, không có lực lượng chức năng nào làm nhiệm vụ kiểm soát hoạt động chở khách của công ty này tại bến Vạn Giã.

Xây homestay trái phép trên đất nông nghiệp

Sau khoảng 15 phút đi ca nô ra đảo Điệp Sơn, khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là một khu du lịch có quy mô rộng lớn. Tại đây, chủ doanh nghiệp này đã xây dựng hơn 20 hạng mục công trình, gồm các phòng lưu trú có diện tích chừng 20m2 và các phòng rộng đến hơn 100m2. Các phòng này được làm kết cấu móng kiên cố gạch và bê tông, tường làm bằng gỗ. Cùng với các phòng nghỉ là các hạng mục nhà vệ sinh và khu bếp nấu.

Thời điểm ghi nhận, tại khu du lịch này có chừng hơn 10 phòng có khách lưu trú. Ông T. - khách du lịch từ Đắk Lắk xuống cho biết: “Gia đình tôi đi 8 người, cả người lớn và trẻ nhỏ nên thuê 2 phòng lớn, mỗi phòng có giá 1,2 triệu đồng/ngày. Chúng tôi ở đây 2 ngày. Tại đây có đầy đủ các dịch vụ, từ ăn uống đến hát karaoke thoải mái. Giá cả trong khu du lịch này cũng không quá mắc”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, khi phát hiện Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi xây dựng các chòi nghỉ và hạng mục khác tại đảo Điệp Sơn, địa phương đã thành lập tổ công tác phối hợp với Phòng Quản lý đô thị đi kiểm tra. Qua kiểm tra nhận thấy, doanh nghiệp này xây dựng trái phép các hạng mục nói trên tại 4 thửa đất gồm: Số 18, 25, 37, 38 thuộc tờ bản đồ số 14 do ông Trần Lưu Viên đứng tên chủ sử dụng. Trong số 4 thửa đất này có 3 thửa là đất trồng cây lâu năm và 1 thửa là đất trồng cây hàng năm.

Những căn homestay được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Những căn homestay được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo báo cáo của UBND xã Vạn Thạnh, tại thửa đất số 38 có diện tích hơn 1.145m2 (đất trồng cây lâu năm), doanh nghiệp dựng 2 chòi với diện tích 198m2; nhà bếp có diện tích 42m2; nhà vệ sinh có diện tích hơn 48m2 (trong đó có 24m2 chiếm đất giao thông để xây dựng), 2 chòi nghỉ có diện tích hơn 86m2, trong đó chiếm 22,3m2 đất giao thông. Tại thửa đất số 37 có diện tích 1.417m2 (đất trồng cây lâu năm), công ty dựng 2 chòi nghỉ, với diện tích hơn 90m2, trong đó có 5,2m2 chiếm đất giao thông; 4 chòi nghỉ với diện tích gần 80m2. Tại thửa đất số 18 (đất trồng cây hàng năm), doanh nghiệp dựng 4 chòi nghỉ với diện tích gần 80m2. Còn tại thửa đất số 25 (đất trồng cây lâu năm), doanh nghiệp dựng 1 chòi nghỉ diện tích hơn 44m2.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn xây dựng trái phép cầu phao trên mặt nước với diện tích hơn 200m2, chiều dài khoảng 92m. Cầu được làm bằng ván gỗ lắp ghép, trên các phi nổi bằng nhựa, giằng bao cát cố định. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lắp đặt pin năng lượng mặt trời diện tích hơn 103m2 dựng trên thửa đất số 26, tờ bản đồ số 14. Đây là đất nghĩa trang do địa phương quản lý.

Cần sớm xử lý

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hoạt động trong suốt thời gian dài và với nhiều vi phạm trong hoạt động xây dựng, vận chuyển khách nhưng đến nay, những vi phạm này của Khu du lịch Luzumi Beach tại đảo Điệp Sơn vẫn chưa xử lý rốt ráo. Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH một thành viên lần đầu ngày 6-6-2022 và đăng ký thay đổi lần 3 ngày 23-3-2023 do ông Trần Lưu Viên là chủ sở hữu với vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Lê Minh Toàn.

Liên quan đến những vi phạm về hoạt động xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ông Lê Hoàng Vương cho biết thêm, để có cơ sở xử lý, chính quyền địa phương đã nhiều lần mời doanh nghiệp lên làm việc nhưng đến nay, đơn vị không hợp tác. UBND xã đã có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh Vạn Ninh phối hợp xác định vị trí, đo vẽ chính xác làm cơ sở lập biên bản vi phạm hành chính nhưng đến nay cũng chưa có kết quả. Vì vậy, dù phát hiện và kiểm tra từ tháng 7-2023 song đến nay vẫn chưa có các hình thức xử lý đối với doanh nghiệp này. Bà Trương Thị Mỹ Ý - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vạn Ninh cho biết, phòng đã nhiều lần mời đại diện Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi đến làm việc nhưng doanh nghiệp không hợp tác.

 Sau khi kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi xây dựng bến phao trái phép tại thôn Điệp Sơn, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phải chấm dứt sử dụng kết cấu hạ tầng dạng bến phao để tiếp nhận phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, liên hệ với UBND huyện Vạn Ninh để được hướng dẫn, thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND huyện Vạn Ninh đề nghị tăng cường công tác quản lý tại các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn. Theo văn bản, hiện nay, trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn còn tồn tại một số bến tự phát, trong đó có bến của Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi, lén lút hoạt động tổ chức tiếp nhận phương tiện thủy nội địa đón, trả hành khách tại bến chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND huyện hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực hiện thủ tục công bố hoạt động bến thủy nội địa theo quy định tại Nghị định số 08/2021 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 06 ngày 25-1-2024 của Chính phủ quy định về hoạt động đường thủy nội địa.

Ông TRẦN NGỌC KHIÊM - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: UBND huyện đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND xã Vạn Thạnh khẩn trương có biện pháp xử lý những vi phạm của Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi, tránh dây dưa kéo dài. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động du lịch và xây dựng tại Điệp Sơn, sẽ xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan cố tình vi phạm các quy định của pháp luật.


Ông TRẦN LƯU VIÊN - Chủ sở hữu Công ty TNHH Khu du lịch Luzumi: Chúng tôi có giấy phép kinh doanh về lĩnh vực du lịch, nhưng doanh nghiệp không thực hiện các hoạt động về vận chuyển hành khách ra đảo. Đối với những căn nhà xây dựng tại Điệp Sơn là nhà tiền chế, dựng lên để chơi, là nơi tiếp khách chứ không hoạt động kinh doanh. Thực tế hiện nay tôi đã cho người khác thuê lại để kinh doanh chứ không trực tiếp làm. Tôi sinh sống và kinh doanh tại Bình Dương, thỉnh thoảng mới dẫn khách về chơi, chứ không có mục đích kinh doanh.

THÀNH NAM