19:41, 22/03/2024

Những người canh lửa, giữ rừng

HẢI LĂNG  

Trong những cánh rừng đang như khô đi dưới nắng nóng, có bước chân của những người giữ rừng miệt mài canh lửa để giữ lá phổi xanh thiên nhiên. Phương châm được những người giữ rừng đặt ra là: “Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời”.

Lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân tuần tra phòng chống cháy rừng tại khu vực Va Ly
Lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân tuần tra phòng chống cháy rừng tại khu vực Va Ly

Căng mình phòng "giặc lửa"

8 giờ sáng, nắng đã lên gay gắt, nhìn về những vạt rừng phòng hộ đang mùa thay lá vàng khè ở các khu vực: Va Ly, Đầu Trâu, Cây Sung… (xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm), ông Nguyễn Lê Huynh - Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Sơn Tân (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa) sốt ruột, thúc giục anh em trong trạm khẩn trương chia nhau đi canh lửa rừng. Hành trang của những người giữ rừng là cơm nắm, chai nước lọc và chiếc võng. Nơi họ đến là những khu vực bao quát được các tọa độ có nguy cơ cháy cao, khi phát hiện khói bốc lên ở đâu sẽ báo ngay về trạm để ứng phó kịp thời từ khi cháy nhỏ. “Trạm được giao quản lý hơn 4.808ha rừng tự nhiên và rừng trồng phòng hộ tại địa bàn xã Sơn Tân. Trong những ngày nắng nóng cao điểm này, anh em phải chia nhau trực phòng cháy hết sức căng thẳng, bởi nhân lực thì mỏng mà diện tích rừng có nguy cơ cháy cao lên đến hơn 1.207ha. Chúng tôi phải hết sức cảnh giác với nguy cơ người dân đốt dọn nương rẫy để cháy lan vào rừng”, ông Huynh nói.

Lực lượng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 2 dập lửa do người dân đốt dọn nương rẫy dẫn đến nguy cơ cháy lan vào rừng.

Cùng ông Huynh và các nhân viên bảo vệ rừng tại Sơn Tân đi tuần tra canh lửa rừng ở khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Va Ly, chúng tôi cảm nhận được sự ngột ngạt của mùa khô. Dưới tán rừng, những lá dầu rái khô giòn, nghe rôm rốp khi có chân người giẫm lên. “Thực bì, vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô kiệt, chỉ cần một tàn thuốc là bùng cháy dữ dội. Chỉ một chút bất cẩn khi sử dụng lửa có thể làm cả cánh rừng trồng phòng hộ hơn 30 năm tuổi tại khu vực này bị thiêu rụi”, ông Huynh lo lắng. Do đó, bước vào cao điểm mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, bên cạnh bố trí lực lượng để phòng, chống khai thác lâm sản trái phép, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại đây còn căng sức để đề phòng “giặc lửa”, bởi nhiều năm gắn bó với nghề rừng, họ hiểu rõ một khi cháy lớn, cháy lan trên diện rộng thì bao công sức giữ rừng sẽ thành công cốc.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa kiểm tra, xác định khu vực rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy.

Rời Sơn Tân, chúng tôi đến Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 2 (Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa) đóng tại địa bàn xã Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh). Khi chúng tôi vừa đến, ông Đinh Hùng Khách - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa nhận được điện thoại báo: “Rừng dầu 23 năm tuổi của công ty tại lô 1, khoảnh 3, Tiểu khu 170 (Khánh Thượng) có nguy cơ bị cháy do người dân địa phương đang đốt rẫy sát bên”. Nhận được tin báo từ nhân viên trực phòng cháy tại Tiểu khu 170, ông Khách liền gọi điện thoại huy động các nhân viên đang trực phòng cháy ở các địa điểm gần đó, rồi tức tốc đến địa điểm vừa được thông báo.

Khi chúng tôi đến nơi, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Đội trưởng phụ trách Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 2 đang cùng với 4 nhân viên bảo vệ rừng khác dập lửa cứu rừng. Không ai bảo ai, chúng tôi người dùng bình xịt, người chặt cành cây tươi để dập lửa, một vài người đi dọc đường ranh tiếp giáp giữa nương rẫy của người dân với rừng dầu rái để dọn ranh, ngăn không cho lửa cháy lan vào rừng.

Sau khi khống chế được đám cháy do đốt rẫy, ông Hiếu hổn hển nói: “Mỗi ngày trực, chúng tôi phải xử lý vài đám đốt rẫy như thế này để ngừa cháy lan vào diện tích rừng có nguy cơ cháy cao của đơn vị. Mệt lắm nhưng anh em trong trạm không ai than phiền vì đây là nhiệm vụ để giữ được lá phổi xanh”. Góp thêm vào câu chuyện, ông Khách nói: “Không riêng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng số 2, mùa này, toàn bộ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của công ty ngày đêm bám rừng, chia nhau về các chốt, các điểm để ngăn chặn sự nhòm ngó của “lâm tặc” và phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy rừng”.

Nguy cơ cháy rừng rất cao

Ông Lê Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa chia sẻ: “Từ đầu mùa khô, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xác định 3 vùng trọng điểm rừng trồng và rừng tự nhiên ở huyện Khánh Vĩnh có nguy cơ cháy rất cao trong 7 tháng mùa khô năm nay. Cụ thể, vùng Khánh Phú - Sông Cầu có hơn 1.370ha; vùng Khánh Thành - Cầu Bà - Liên Sang có hơn 4.200ha và vùng Khánh Thượng - Giang Ly - Sơn Thái có hơn 8.000ha. Khu vực có nguy cơ xảy ra cháy có địa hình cao, xa khu dân cư, mất 3-4 giờ di chuyển nên khi phát hiện, ngăn chặn thì diện tích rừng cháy đã lớn, khó tiếp cận để tổ chức chữa cháy”. Còn lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa thì lo lắng khi liên tiếp những mùa khô gần đây, lâm phận của đơn vị đã xảy ra một số vụ cháy nhỏ dưới tán rừng trồng (chưa gây thiệt hại về tài nguyên rừng). Mùa khô năm nay đến sớm và khá gay gắt nên đơn vị đang dồn sức để giữ hơn 3.540ha rừng tự nhiên và rừng trồng có nguy cơ cháy cao tại 3 địa phương: Khánh Sơn, Cam Lâm và Cam Ranh, đặc biệt là các khu vực như: Ven đường đèo Tỉnh lộ 9, khu vực Sơn Tân, rừng thông ở các xã tại huyện Khánh Sơn…

Lực lượng của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Tân tuyên truyền, vận động người dân canh tác gần rừng cam kết phòng, chống cháy rừng.

Với những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay, mới bước vào đầu mùa khô, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy, trong đó chỉ có 1 vụ gây thiệt hại nhỏ về rừng trồng tại Khánh Vĩnh. Trong khi đó, cao điểm mùa khô trên địa bàn tỉnh được xác định kéo dài đến 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8), với hàng chục nghìn héc ta rừng trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ cháy rất cao. Qua rà soát của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh xác định có hơn 61.088ha (gồm hơn 32.381ha rừng trồng và gần 28.707ha rừng tự nhiên ở tất cả các địa phương trong tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy. Trong đó, tập trung nhiều ở huyện Khánh Vĩnh với khoảng 25.500ha, huyện Diên Khánh với khoảng 11.405ha, huyện Cam Lâm khoảng  7.323ha, huyện Khánh Sơn khoảng 6.927ha, thị xã Ninh Hòa khoảng 5.269ha…

“Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời”

Một khi xảy ra cháy lớn, cháy trên diện rộng, thiệt hại về tài nguyên rừng sẽ rất lớn, độ che phủ rừng của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống cháy rừng ngay từ đầu năm. Theo ông Nguyễn Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, được tỉnh quán triệt thực hiện theo phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời, triệt để và an toàn”. Công tác phòng, chống cháy rừng phải được thực hiện từ sớm, từ xa nhằm chủ động phát hiện, xử lý khi đám cháy còn nhỏ sẽ giúp hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tài nguyên rừng. Bên cạnh việc tổ chức lực lượng canh lửa giữ rừng của các đơn vị chủ rừng, việc Chi cục Kiểm lâm theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo cháy rừng sẽ giúp phát hiện, thông tin kịp thời đến địa phương, đơn vị chủ rừng các điểm cảnh báo cháy rừng để xử lý kịp thời các vụ việc.

Lực lượng bảo vệ rừng của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa phát dọn, kiểm tra lửa tại khu vực giáp ranh rừng trồng của đơn vị để tránh nguy cơ cháy lan.

Lãnh đạo các đơn vị chủ rừng trong tỉnh cho hay, trên cơ sở xác định được các vùng trọng điểm dễ cháy, các đơn vị tiến hành xây dựng bản đồ những vùng trọng điểm dễ cháy, từ đó chỉ huy công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả hơn. Các đơn vị đang khẩn trương để hoàn thành việc làm mới, duy tu, bảo dưỡng các đường ranh cản lửa, sẵn sàng nhân lực, phương tiện để phòng, chống cháy rừng hiệu quả theo từng cấp độ, theo phương châm "4 tại chỗ". Nếu cháy lớn, vượt khả năng của lực lượng tại chỗ sẽ báo cáo và đề xuất kịp thời lực lượng ứng cứu từ các cấp, ngành tham gia chữa cháy… “Chúng tôi tập trung cho phòng cháy, tổ chức lực lượng canh coi lửa rừng để kịp thời phát hiện, xử lý ngay từ khi đám cháy còn nhỏ. Bởi một khi cháy lan trên diện rộng rất khó kiểm soát”, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa nói.

HẢI LĂNG