Hiến pháp 2013 có hiệu lực đã có nhiều thay đổi hết sức quan trọng về vấn đề quyền con người, quyền công dân. Vì thế, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự - một trong những bộ luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của xã hội, ...
Hiến pháp 2013 có hiệu lực đã có nhiều thay đổi hết sức quan trọng về vấn đề quyền con người, quyền công dân. Vì thế, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) - một trong những bộ luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của xã hội, trở thành một yêu cầu bức thiết. Quốc hội đã có Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLDS sửa đổi và phải hoàn thành trong quý I/2015.
Theo ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, Khánh Hòa là một trong những địa phương thực hiện Nghị quyết này sớm nhất trên cả nước. Sau Hiến pháp thì BLDS cực kỳ quan trọng vì đây là công cụ bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Thực hiện Nghị quyết trên và kế hoạch của Chính phủ, ngày 20-1-2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện việc lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo.
So với BLDS hiện hành, dự thảo có rất nhiều thay đổi, thể hiện qua việc dự thảo chỉ giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung mới 176 điều và bãi bỏ đến 147 điều. Theo đồng chí Lê Xuân Thân, dự thảo đưa ra 10 điểm mới có nhiều tranh luận. Đây chính là những điểm mà Quốc hội mong muốn Nhân dân và các cơ quan, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến. Bởi đây là những vấn đề liên quan đến lợi ích của mỗi người dân.
Thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự. Liệu có nên quy định Tòa án không có quyền từ chối yêu cầu của người dân vì không có luật điều chỉnh mà phải giải quyết yêu cầu đó trên cơ sở nguyên tắc chung, niềm tin nội tâm và lẽ công bằng? Thứ hai, về quyền nhân thân, dự thảo cụ thể hóa các quyền nhân thân vốn đã có sẵn và những quyền mới được Hiến pháp 2013 quy định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không cần thiết, chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự như quyền về họ tên, quyền xác định giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử... Thứ ba, về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, theo luật hiện hành, chủ thể này bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác. Nhưng theo dự thảo thì chỉ giữ lại 2 chủ thể chính là cá nhân và pháp nhân và bổ sung một chủ thể quan trọng nữa là Nhà nước và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Lúc đó, khi tham gia quan hệ dân sự thì những chủ thể này cũng bình đẳng với các chủ thể khác trước pháp luật. Việc bỏ 2 chủ thể hộ gia đình và tổ hợp tác cũng đang là vấn đề cần tranh luận, làm rõ thêm. Thứ tư, dự thảo cho phép những giao dịch không tuân thủ hình thức mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự thì vẫn được xem là hợp pháp. Điều này có nghĩa là những giao dịch mà lẽ ra phải có văn bản, có công chứng, chứng thực mà các bên không thực hiện thì vẫn được xem là hợp pháp. Đây là điều khác với quy định hiện hành nên cũng cần tranh luận để làm rõ.
Một vấn đề rất hay gặp trong thực tiễn là người thứ 3 mua tài sản hợp pháp nhưng không được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn, ông A mua nhà của cơ quan bán đấu giá, hoặc của cơ quan Thi hành án phát mãi nhưng không nhận được nhà do những rắc rối pháp lý phát sinh, hoặc bà B mua nhà trên cơ sở giấy tờ sổ đỏ hẳn hoi nhưng không nhận được nhà vì tài sản đang thế chấp ngân hàng... Hiện nay, những trường hợp như ông A, bà B ít được quan tâm nhưng theo dự thảo thì pháp luật trước hết sẽ công nhận quyền sở hữu của ông A, bà B. Ngoài ra, BLDS hiện nay quy định 6 hình thức sở hữu nhưng dự thảo sẽ có 3 phương án. Một là chỉ quy định 3 hình thức sở hữu nhà nước/sở hữu chung/sở hữu riêng, hai là sở hữu chung/sở hữu riêng, ba là sở hữu nhà nước/sở hữu tư nhân/sở hữu chung. Cả 3 phương án này đều thống nhất bỏ các quy định sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp như hiện nay.
Một điểm quan trọng khác có nhiều ý kiến tranh luận là việc dự thảo xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu sớm hơn so với luật hiện hành. Hiện nay, đối với bất động sản, pháp luật chỉ thừa nhận quyền sở hữu khi người mua đăng ký với cơ quan chức năng nhưng với quy định mới, chỉ cần khi chuyển giao tài sản đã thay đổi quyền sở hữu. Dự thảo cũng đưa ra một điểm mới nữa là lãi suất trong hợp đồng vay tài sản. Cụ thể, hiện nay lãi suất tuy có thỏa thuận nhưng không quá 150% lãi suất ngân hàng. Dự thảo lần này đưa ra mức 200%. Cuối cùng và cũng là một điểm rất quan trọng, đó là dự thảo quy định về thời hiệu theo hướng vẫn quy định thời hạn nhưng nếu hết thời hạn mà đương sự mới có yêu cầu thì thay vì không giải quyết, Tòa án vẫn thụ lý và tuyên bố chủ thể có quyền hay phải được miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Theo ông Lê Xuân Thân, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với dự thảo BLDS sửa đổi hết sức quan trọng bởi đây là quyền lợi sát sườn của người dân. Nhà nước và các cấp chính quyền sẽ hết sức tạo điều kiện để nhân dân đóng góp ý kiến cho dự thảo này.
Lê Minh