09:03, 27/03/2023

Nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi

Hỏi: Mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi. Do điều kiện công việc, chị em tôi không ở gần mẹ nên nhờ một người cháu chăm sóc bà. Nay cháu tôi không đảm đương công việc đó được nữa, chúng tôi có thể nhờ người khác không thân thích nuôi dưỡng bà được không?


Lê Thị Liễu (TP. Cam Ranh)

 

Hỏi: Mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi. Do điều kiện công việc, chị em tôi không ở gần mẹ nên nhờ một người cháu chăm sóc bà. Nay cháu tôi không đảm đương công việc đó được nữa, chúng tôi có thể nhờ người khác không thân thích nuôi dưỡng bà được không?


Lê Thị Liễu (TP. Cam Ranh)


Trả lời: Phụng dưỡng người cao tuổi là nghĩa vụ và quyền của người là con, cháu của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhằm giúp người cao tuổi được chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất, đáp ứng nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe và các nhu cầu về vui chơi, giải trí, thông tin, giao tiếp… Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng người cao tuổi tùy theo hoàn cảnh cụ thể phải sắp xếp nơi ở phù hợp với điều kiện sức khỏe, tâm lý của người cao tuổi; chu cấp về kinh tế; thanh toán chi phí điều trị và chăm sóc y tế khi người cao tuổi ốm đau; mai táng khi người cao tuổi chết. Tinh thần đó đã được ghi nhận tại Luật Người cao tuổi.


Luật này cũng thừa nhận việc người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng không có điều kiện trực tiếp chăm sóc người cao tuổi thì ủy nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, nhưng phải được người cao tuổi đồng ý. Việc ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi được thực hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ giữa người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng với cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ. Cá nhân hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ được ủy nhiệm chăm sóc người cao tuổi có trách nhiệm thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ với người ủy nhiệm.


Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG