09:02, 20/02/2023

Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình

Hỏi: Tôi nghe thông tin từ ngày 1-7-2023, người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình thì bị phạt lao động, có phải vậy không?

 

Hỏi: Tôi nghe thông tin từ ngày 1-7-2023, người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi bạo lực gia đình thì bị phạt lao động, có phải vậy không?


Dương Thị Hương (thị xã Ninh Hòa)


Trả lời: Từ ngày 1-7-2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực pháp luật. Trong 9 biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, có hai biện pháp để giáo dục, răn đe người có hành vi bạo lực gia đình đó là “góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư” và “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. Hai biện pháp này chỉ áp dụng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên mà đã có 2 lần trong 12 tháng thực hiện hành vi bạo lực gia đình (hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm).


Tuy nhiên, luật cho phép người vi phạm được lựa chọn một trong hai hình thức: Hoặc là tham gia buổi góp ý phê bình dưới sự chủ trì của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có sự phối hợp với trưởng ban công tác mặt trận và các thành phần khác...; hoặc là tự nguyện thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.


Công việc phục vụ cộng đồng là các công việc có quy mô nhỏ trực tiếp phục vụ cho lợi ích cộng đồng, như: Cải thiện môi trường, cảnh quan, trồng, chăm sóc cây xanh; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác. Danh mục các công việc phục vụ cộng đồng sẽ được chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt công nhận trên cơ sở thảo luận, quyết định của dân cư trong thôn, tổ dân phố.


Tiến sĩ - Luật gia Lê Xuân Thân