Theo Điều 4, quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao...
Hỏi:
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm nào?
Trả lời: Theo Điều 4, quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Ban hành theo Quyết định số 565/QĐ-VKSTC ngày 29-12-2017 của Viện trưởng VKSND tối cao), Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm sau:
1. Tội phạm quy định tại chương XXIII (chương các tội phạm về chức vụ), chương XXIV (chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) của Bộ luật Hình sự (BLHS), xảy ra trong hoạt động tư pháp, thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân mà người thực hiện hành vi phạm tội là một trong những người sau đây:
a) Cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, VKSND, Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự;
b) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Người được giao nhiệm vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; tiếp nhận, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;
d) Người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản vật chứng, tài sản bị niêm phong, bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa trong hoạt động tố tụng, thi hành án;
đ) Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong BLTTHS và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự.
2. Những người thực hiện hành vi phạm tội cụ thể theo quy định của BLHS thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hành vi phạm tội dùng nhục hình quy định tại Điều 373 BLHS;
b) Những người khác có nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có hành vi phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc quy định tại Điều 375 BLHS
c) Người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa có hành vi phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật quy định tại Điều 382 BLHS;
d) Người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật có hành vi phạm tội từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu quy định tại Điều 383 BLHS
3.Tội phạm quy định tại chương XXIII (chương các tội phạm về chức vụ), chương XXIV (chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp) của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp do người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp thực hiện mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà