Nhà nước ban hành các chính sách pháp luật liên quan người dân thường được hỏi ý kiến dân. Vậy những chính sách tác động đến trẻ em có hỏi ý kiến của trẻ em không?
Hỏi: Nhà nước ban hành các chính sách pháp luật liên quan người dân thường được hỏi ý kiến dân. Vậy những chính sách tác động đến trẻ em có hỏi ý kiến của trẻ em không?
Vũ Thị Hồng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa)
Trả lời: Một trong những nguyên tắc quan trọng bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em được Luật Trẻ em chỉ ra là tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em. Luật Trẻ em ghi nhận quyền của trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.
Tại Nghị định 56/2017/NĐ-CP Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em. Bảo đảm để trẻ em được thông tin về nội dung của văn bản đang soạn thảo cần lấy ý kiến của trẻ em thông qua các hình thức phù hợp. Thuyết minh nội dung của văn bản đang soạn thảo phù hợp với trẻ em để trẻ em hiểu, góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng. Tiếp nhận, xem xét, trả lời ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Hồ sơ ban hành theo thẩm quyền hoặc gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, thẩm tra, ban hành của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản phải có nội dung tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính phủ cũng yêu cầu UBND các cấp trong quá trình xây dựng các quyết định, chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc có liên quan đến trẻ em phải có sự tham gia của trẻ em theo quy định.
Như vậy, không chỉ trẻ em được có ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật mà cơ quan nhà nước phải lấy ý kiến của trẻ em vào dự thảo văn bản pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng