10:08, 10/08/2017

Di sản đã thuận phân chia, có thay đổi được không?

Bố mẹ qua đời không để lại di chúc, anh chị em chúng tôi sau khi được sự hỗ trợ về pháp lý của Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh đã thỏa thuận phân chia toàn bộ tài sản là di sản của các cụ. Thỏa thuận này đã được công chứng viên ghi nhận.

Hỏi: Bố mẹ qua đời không để lại di chúc, anh chị em chúng tôi sau khi được sự hỗ trợ về pháp lý của Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh đã thỏa thuận phân chia toàn bộ tài sản là di sản của các cụ. Thỏa thuận này đã được công chứng viên ghi nhận. Tuy nhiên, sau một tuần niêm yết, một người trong số thừa kế thay đổi ý kiến nên không thực hiện được. Xin hỏi, văn bản chia tài sản đã được mọi người ký và qua công chứng, sao có thể tùy tiện thay đổi?


Nguyễn H. (Nha Trang)


Trả lời: Pháp luật về thừa kế ghi nhận quyền của cá nhân trong việc lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.


Trong trường hợp người chết không để lại di chúc, di sản sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật, tức theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Khi phân chia di sản theo pháp luật, những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.


Trường hợp của bạn, văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng thụ lý. Theo Nghị định 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ, việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết. UBND cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.


Sau khi niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại địa điểm, thời hạn quy định mà tổ chức hành nghề công chứng không nhận được khiếu nại, tố cáo thì công chứng viên ghi lời chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của văn bản thỏa thuận và đóng dấu tổ chức hành nghề công chứng. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.


Trường hợp bạn nêu, việc thỏa thuận phân chia di sản đã không thực hiện được nên văn bản công chứng chưa được thiết lập.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng