Tôi có một người con 23 tuổi nhưng bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, không thể làm chủ hành vi. Mẹ cháu đã mất khi cháu 17 tuổi...
Hỏi: Tôi có một người con 23 tuổi nhưng bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, không thể làm chủ hành vi. Mẹ cháu đã mất khi cháu 17 tuổi. Để thực hiện các giao dịch về thừa kế nhà đất của vợ tôi để lại, xin hỏi tôi có phải yêu cầu UBND phường ban hành quyết định công nhận cho tôi là người giám hộ cho cháu không? Pháp luật quy định về vấn đề này như thế nào?
Nguyễn Th. (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang)
Trả lời: Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Thẩm quyền ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thuộc về Tòa án nhân dân.
Như vậy, ông có thể yêu cầu tòa án cấp huyện nơi con ông cư trú để được thụ lý giải quyết việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Theo khoản 3, Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự: Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Theo khoản 1, Điều 73 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
Theo các quy định của pháp luật đã nêu trên, ông là người giám hộ đương nhiên, là người đại diện theo pháp luật của con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Tại Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 52 và Điều 53 của bộ luật này thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ”.
Như vậy, trường hợp con đã thành niên người mất năng lực hành vi dân sự đã có người giám hộ đương nhiên thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 52 và Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì UBND xã, phường không có trách nhiệm cử người giám hộ.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà