Hỏi: Tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện dân sự. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm giao về cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại, ....
Hỏi: Tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện dân sự. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao hủy cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm giao về cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại, nguyên đơn lại rút đơn khởi kiện (vì giữa nguyên đơn, bị đơn đã “thỏa hiệp” với nhau quyền lợi của họ) nhưng quyền lợi của tôi và những người liên quan khác chưa được giải quyết, nên tôi không đồng ý. Xin hỏi trường hợp này, tòa án giải quyết như thế nào?
Nguyễn Thị Len (TP. Nha Trang)
Trả lời: Khoản 4 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định: Trường hợp vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý thì tòa án không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà phải giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Đây là quy định mới với Bộ luật Tố tụng dân sự 2004. Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, không đến tòa án và cũng không có ý kiến gì về việc nguyên đơn rút đơn thì được coi là đồng ý với việc rút đơn của nguyên đơn và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Như vậy, nếu không đồng ý việc rút đơn khởi kiện, bà có quyền yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu của mình đối với các đương sự trong vụ kiện đang thụ lý. Tòa án sẽ xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Theo đó, bà sẽ trở thành nguyên đơn vụ kiện.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà