10:12, 15/12/2016

Phải lấy ý kiến con từ đủ 7 tuổi trở lên

Tôi là bị đơn trong vụ kiện ly hôn. Vợ chồng chúng tôi có một con chung đã 8 tuổi, hiện tôi đang trực tiếp nuôi dưỡng. Xin hỏi khi giải quyết ly hôn, tòa án có phải lấy ý kiến của con chúng tôi không?

Hỏi: Tôi là bị đơn trong vụ kiện ly hôn. Vợ chồng chúng tôi có một con chung đã 8 tuổi, hiện tôi đang trực tiếp nuôi dưỡng. Xin hỏi khi giải quyết ly hôn, tòa án có phải lấy ý kiến của con chúng tôi không?


 Lê Th.V. (huyện Vạn Ninh)


Trả lời: Khoản 2 Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.


- Theo khoản 3 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (có hiệu lực ngày 1-7-2016) quy định: “Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên, trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên”.


Theo các quy định của pháp luật nêu trên, khi giải quyết các vụ việc hôn nhân gia đình có liên quan đến việc nuôi con chưa thành niên, Tòa án phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, Thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà