Thời gian qua, một số người dân ở các nơi khác đến địa phương chúng tôi mua đất rẫy, do cần tiền để tiêu dùng nên một số bà con đã bán đất đang canh tác. Các trường hợp mua bán này chỉ bằng giấy tay với nhau nên chính quyền địa phương không quản lý được. Xin cho biết việc mua bán như vậy có được pháp luật cho phép?
Bo Bo Thanh (Khánh Sơn)
Hỏi: Thời gian qua, một số người dân ở các nơi khác đến địa phương chúng tôi mua đất rẫy, do cần tiền để tiêu dùng nên một số bà con đã bán đất đang canh tác. Các trường hợp mua bán này chỉ bằng giấy tay với nhau nên chính quyền địa phương không quản lý được. Xin cho biết việc mua bán như vậy có được pháp luật cho phép?
Bo Bo Thanh (Khánh Sơn, Khánh Hòa)
Trả lời: Đất đai thuộc loại tài sản phải đăng ký quyền sử dụng nên các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) giữa các cá nhân với nhau chỉ bằng giấy viết tay mà không tuân thủ trình tự, thủ tục và không đăng ký theo quy định là vi phạm pháp luật. Theo quy định, việc chuyển quyền SDĐ được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng chuyển quyền SDĐ phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực, và việc chuyển quyền này có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền SDĐ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật Đất đai cũng quy định, một trong những nghĩa vụ của người SDĐ là phải đăng ký quyền SDĐ, làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền SDĐ; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền SDĐ theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và quy định của UBND tỉnh thì hợp đồng khi người SDĐ thực hiện quyền chuyển nhượng quyền SDĐ trên địa bàn huyện phải có chứng thực của UBND cấp xã.
Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG