Gia đình tôi có 9 anh chị em, hiện đều ở chung trên một lô đất diện tích 301m2. Cha mẹ tôi qua đời trước năm 1976, không để lại di chúc. Nay anh trai cả và 2 người em kề lập di chúc giả, giả mạo chữ ký của cha tôi để làm 2 sổ đỏ cho họ, ....
- Hỏi: Gia đình tôi có 9 anh chị em, hiện đều ở chung trên một lô đất diện tích 301m2. Cha mẹ tôi qua đời trước năm 1976, không để lại di chúc. Nay anh trai cả và 2 người em kề lập di chúc giả, giả mạo chữ ký của cha tôi để làm 2 sổ đỏ cho họ, còn 4 chị em gái và 2 em trai út không có phần gì trong tài sản của cha mẹ để lại. Xin hỏi, 6 chị em chúng tôi phải làm gì để có tên trong 2 sổ đỏ nói trên?
Chu Thị Sinh (49 Tô Hiệu, Vĩnh Nguyên, Nha Trang)
- Trả lời: Về nguyên tắc, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế. Tuy nhiên, việc Tòa án có xem xét thụ lý đơn khởi kiện hay không lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác như thời hiệu hoặc chứng cứ. Theo Điều 645 Bộ Luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Căn cứ điều này cũng như các quy định khác về thời hiệu thì đến thời điểm này đã hết thời hiệu để chị em bà tranh chấp thừa kế.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế; hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế. Khi giải quyết, Tòa sẽ căn cứ vào việc có di chúc hay không có di chúc để xử. Như vậy trong trường hợp này, Tòa án vẫn có thể thụ lý đơn kiện để giải quyết.
Tuy nhiên theo thư trình bày, 3 người con đầu đã làm sổ căn cứ trên di chúc mà bà cho là giả mạo. Vì thế, trong trường hợp này cần lưu ý các điểm sau: Sau khi cha mẹ chết, 9 người con đã sử dụng đất như thế nào, có biên bản phân chia hay thỏa thuận gì về tài sản đó không? Thời điểm mà 3 người con đầu đưa ra di chúc; nội dung hình thức di chúc ra sao; quá trình, thời điểm được cấp sổ là lúc nào?... Những yếu tố đó sẽ quyết định đến việc xử lý tình huống mà bà hỏi.
Do thư trình bày chưa rõ nên chúng tôi không trả lời cụ thể được. Tuy nhiên, nếu 6 chị em bà muốn khởi kiện ra Tòa giải quyết thì cần phải chuẩn bị các bằng chứng để chứng minh di chúc đó là giả mạo. Căn cứ trên những chứng cứ được gửi kèm với đơn yêu cầu, Tòa án mới xem xét giải quyết.
Luật gia MINH HƯƠNG