Các bị cáo N.C.T (sinh năm - SN 1996, trú tỉnh Gia Lai) và T.M.Đ (SN 2002, trú tỉnh Bình Định) kháng cáo xin giảm nhẹ, xin án treo đều tham gia vụ án với vai trò giúp sức. Vì vậy, khi nghe tòa tuyên bác kháng cáo, cả hai rất rầu rĩ. Họ là 2 trong số 4 bị cáo cùng tham gia vở kịch "trả nợ cứu con" của "đạo diễn" là bị cáo H.X.D (SN 2001, trú TP. Cam Ranh). Giúp sức cho X.D còn có bị cáo Đ.V.D (SN 1997, trú tỉnh Bình Định).
Các bị cáo N.C.T (sinh năm - SN 1996, trú tỉnh Gia Lai) và T.M.Đ (SN 2002, trú tỉnh Bình Định) kháng cáo xin giảm nhẹ, xin án treo đều tham gia vụ án với vai trò giúp sức. Vì vậy, khi nghe tòa tuyên bác kháng cáo, cả hai rất rầu rĩ. Họ là 2 trong số 4 bị cáo cùng tham gia vở kịch “trả nợ cứu con” của “đạo diễn” là bị cáo H.X.D (SN 2001, trú TP. Cam Ranh). Giúp sức cho X.D còn có bị cáo Đ.V.D (SN 1997, trú tỉnh Bình Định).
Cả 4 bị cáo vốn là bạn chơi chung, đều mê bóng đá. Do cần tiền kinh doanh, X.D nhiều lần bàn với cả nhóm lấy tiền của gia đình mình nhưng không ai đồng ý. Cho tới một ngày, bị X.D năn nỉ quá, T. tặc lưỡi gật đầu. X.D lập tức bàn với T. lập giấy vay tiền giả, xác nhận X.D nợ T. 150 triệu đồng rồi T. gọi cho gia đình X.D đòi nợ. Sau đó, X.D sẽ gọi về nhà cầu cứu, rồi tắt điện thoại, lánh mặt để gia đình đi tìm không gặp sẽ tin X.D đi trốn nợ, rồi trả nợ thay cho X.D. Bị cáo V.D và Đ. được nhờ cảnh giới khi T. nhận tiền của gia đình X.D.
Đúng kế hoạch, T. gọi cho mẹ X.D nói X.D nợ T. 150 triệu đồng tiền cá độ bóng đá, gia đình thu xếp trả nợ cho X.D. XD trốn cũng không thoát được! T. dứt lời thì X.D tắt điện thoại, bỏ đi khỏi nhà trọ. Gia đình X.D đến chỗ con đang trọ và tới trường học, quả nhiên không thấy. Để gia đình lo lắng cùng cực, X.D mới gọi về, vờ cầu cứu, nói đang trốn ở tỉnh khác; không dám gọi điện thoại nhiều vì sợ chủ nợ lần ra đánh, rồi ngắt máy luôn.
Sau đó, X.D lại bàn với T. dàn cảnh T. tìm bắt được X.D và tiếp tục gọi cho nhà X.D buộc trả nợ giùm; đồng thời đòi thêm 25 triệu đồng tiền lãi. T. cũng nghe theo. Nghe vậy, cha mẹ X.D đòi nói chuyện với X.D. Nghe giọng con thiểu não vang lên, cha mẹ X.D vội trấn an con, hứa hôm sau sẽ mang tiền đến. Đến hẹn, X.D cắt cử Đ. và V.D ngồi gần đó canh chừng để X.D và T. diễn nốt phần kết.
“Kịch bản” được nhân vật chính dàn dựng khá công phu; 4 “diễn viên” cũng vào vai khá “ngọt”. Duy chỉ đến phần kết bất ngờ bị thay đổi do tất cả không ngờ cha mẹ “đạo diễn” đã báo công an chỉ vì quá lo con bị bắt giữ, đánh đập!
Trong 4 bị cáo, X.D có vai trò chủ mưu, khởi xướng, rủ rê, dàn dựng mọi việc. Ở góc độ xã hội, X.D cũng có lỗi nặng nhất, bởi bị cáo còn phạm tội với chính đấng sinh thành! Cha mẹ nào ngờ đứa con mình dứt ruột đẻ ra có ngày trở thành “giặc” trong nhà, bày mưu dàn dựng cho bạn chiếm đoạt tiền của họ bằng cách đánh vào tình mẫu tử, phụ tử. Có lẽ quá hiểu sai phạm của mình nên X.D không kháng cáo. Đáng tiếc, 3 bị cáo còn lại tuy đã nhiều lần từ chối nhưng cuối cùng lại lung lay, chấp nhận tham gia “diễn” cùng X.D, dù chẳng nhận được lợi ích vật chất gì. Duy có T. nhận được một lời hứa… cho đi nhậu! Nhưng hình phạt về tội cưỡng đoạt tài sản thì cả 4 đều phải lãnh: X.D 4 năm tù; V.D 3 năm tù; T. 3 năm 6 tháng tù; Đ. 2 năm 3 tháng tù.
TAM THUẬT