Trong lúc chờ nghị án, bị cáo T.H.V (sinh năm 1981, trú huyện Vạn Ninh) kín đáo chắp hai tay, nhắm mắt cầu khấn. Lúc này, có lẽ bị cáo chỉ mong tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ cũng như căn nguyên vụ án giết người để được hưởng khoan hồng.
Trong lúc chờ nghị án, bị cáo T.H.V (sinh năm 1981, trú huyện Vạn Ninh) kín đáo chắp hai tay, nhắm mắt cầu khấn. Lúc này, có lẽ bị cáo chỉ mong tòa xem xét các tình tiết giảm nhẹ cũng như căn nguyên vụ án giết người để được hưởng khoan hồng.
Trước đó, bị cáo V. khai nhận, bị hại nghi ngờ V. đăng hình bạn gái của bị hại lên mạng xã hội nên hai bên có mâu thuẫn. Chiều đó, bị hại đến tiệm cắt tóc của V. gây sự, kình cãi, đánh V. ngã rồi bỏ đi. Khoảng nửa tiếng sau, bị hại quay lại, không cho V. cắt tóc cho khách, rồi đập vỡ gương. V. cố kiềm chế, can ngăn thì bị bị hại đánh. Trong lúc giằng co, cơn tức dâng lên, sẵn cầm kéo cắt tóc, V. đâm bị hại mấy nhát rồi bỏ chạy đi đầu thú.
Luật sư bào chữa cho bị cáo phân tích, xuất phát từ sự hiểu nhầm, bị hại đã xâm phạm nơi làm việc của bị cáo, đe dọa, yêu cầu bị cáo dừng kinh doanh, đập phá tài sản của bị cáo. Điều đó khiến bị cáo bức xúc, không kiềm chế nổi. Nghe luật sư nói, V. liên tục lau nước mắt…
Mẹ bị cáo giãi bày, nhà khó khăn, bà chạy vạy được 10 triệu đồng mang đến nhà bị hại để xin lỗi và xin bồi thường một phần nhưng không ai cho vào. Bà đi lại mấy lần vẫn bị từ chối. Bất đắc dĩ, bà phải gửi tiền bồi thường qua cơ quan thi hành án dân sự.
Nghe vậy, cha của bị hại bức xúc nói, con ông đã chết, tiền đó thay đổi được gì! Ông yêu cầu bồi thường hơn 100 triệu đồng và cấp dưỡng nuôi 2 con của bị hại.
Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát nêu chứng cứ xác định bị hại đã vào nơi làm việc của bị cáo, đập phá tài sản, xô xát bằng tay. Chủ tọa cũng phân tích, bị cáo gây ra án mạng nên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, trước đó, vợ chồng bị hại đã ly hôn. Bản án thể hiện 2 con chung giao cho người vợ nuôi; vợ cũ của bị hại không yêu cầu bị hại cấp dưỡng nuôi con. Do đó, quyền yêu cầu cấp dưỡng cho 2 cháu, nếu có, chỉ thuộc về vợ cũ của bị hại. Bản thân người “bị đăng hình” cũng khẳng định, cô không hề biết hình ảnh của cô bị đăng lên mạng xã hội. Nhưng xem lại, cô thấy chỉ là hình ảnh thông thường của cô và nhóm bạn. Cô và bị hại đã chia tay nhau trước khi xảy ra vụ án khoảng 5-7 tháng.
Lúc này, cha bị hại mới dịu lại, ông thanh minh do không hiểu biết pháp luật; giờ ông không yêu cầu về hình phạt, chỉ muốn xác định rõ khi nào bồi thường xong.
Tòa tuyên án 10 năm tù, bồi thường hơn 100 triệu đồng, thấy V. cúi đầu, có người thở dài: Kiềm chế bao nhiêu cũng không đủ; nóng giận một chút thấy ngay hậu quả! V. đã kiềm chế mấy lần mà cuối cùng vẫn không làm chủ được bản thân. Mừng là tòa nhìn nhận bị hại có một phần lỗi, đã gây thiệt hại về tài sản cho bị cáo nhưng không đáng kể, bị hại đã chết nên không xem xét xử lý. Về phần bị cáo, chỉ vì thiếu kiềm chế vào phút cuối, thay vì có cơ hội đòi bồi thường thiệt hại, V. phải vào tù, tạm xa 2 đứa con đang trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn vợ. Thật đáng tiếc!
TAM THUẬT