Bị cáo T.T.T (sinh năm 1966, trú TP. Nha Trang) trông già hơn tuổi. Nhìn bị cáo, không thể ngờ T. có thể phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Bị cáo T.T.T (sinh năm 1966, trú TP. Nha Trang) trông già hơn tuổi. Nhìn bị cáo, không thể ngờ T. có thể phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, bị cáo T. đứng ra vay tiền góp 5 triệu đồng giúp bị hại. Một thời gian sau, bị hại bỏ trốn, không đưa tiền cho bị cáo đóng tiếp tiền góp. Trưa đó, vô tình gặp bị hại đang mang 30kg cà phê (trị giá 3,6 triệu đồng) của chủ hàng đi giao cho khách, T. vội túm lấy đòi tiền, nhưng bị hại xin trả sau. Không thể dễ dàng để bị hại đi khi chỉ khất lần, bị cáo đã lớn tiếng: “Không trả tao gọi con tao ra”. T. thanh minh, bị cáo nói vậy chỉ nhằm dọa bị hại sợ mà trả tiền. Thấy bị hại vẫn im lặng, T. mới nói: “Không có tiền thì đưa cà phê đây tao chở về nhà, rồi mang tiền đến tao trả cà phê”. Bị hại cũng không chịu, nói cà phê của người chủ. T. không nghe, yêu cầu bị hại chuyển số cà phê từ xe bị hại sang xe mình. Hai bên đôi co. Mặc bị hại giải thích, T. cương quyết xách 2 bịch cà phê bỏ sang xe của mình và kêu bị hại xách bịch còn lại bỏ sang, cột lại. Bị hại đã làm theo ý T.
Trước tòa, bị cáo nói, chỉ vì thương bị hại khổ sở nên vay giùm, ngờ đâu có ngày phạm tội. Nếu lúc bị hại dẫn chủ hàng tới giải thích, T. đồng ý trả lại cà phê thì đã chẳng sao. Nhưng quá bức xúc vì khoản nợ khó đòi, T. không chịu nghe ai, cương quyết tuyên bố bị hại phải trả tiền mới trả cà phê. Giờ đây, bị cáo rất ân hận.
Xin cho bị cáo hưởng án treo, bị hại thừa nhận sự giúp đỡ của bị cáo và lỗi của mình. Bị hại cho biết, hoàn cảnh bị cáo rất éo le: Mẹ mất, chồng mất, bản thân có 6 con, đang nuôi 2 con, nhỏ nhất 13 tuổi nhưng thần kinh không ổn định. Chỉ vì thương bị hại nên bị cáo đi vay giùm...
Nghe bị hại nói, bị cáo ầng ậc nước mắt. Bị cáo cũng chỉ biết vay giùm ngoài xã hội, lãi suất rất cao. Khi bị hại khó khăn bỏ trốn, bị cáo phải gánh thay. Nhưng mới chậm trả ít bữa mà từ 5 triệu đồng đã thành 7 triệu đồng cả gốc và lãi. Bị cáo không biết họ tính lãi kiểu gì, có ngày chủ nợ đòi 500.000 đồng, ngày đòi 250.000 đồng, chỉ biết đưa bao nhiêu vẫn thiếu nợ. Chủ nợ đã tới nhà bị cáo hành hung, phá nhà, đòi phải trả thay hết nợ. Trong khi đó, bị hại lại trốn biệt nên bị cáo mới bức xúc…
Nghe Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận kháng cáo, chuyển sang 7 tháng tù treo, T. lau đôi mắt ngấn nước, xúc động cảm ơn tòa. Bị hại cũng rối rít cảm ơn. Khoác tay nhau ra về, bị hại cho biết đã trả cho bị cáo T. 4 triệu đồng, còn lại được cho luôn vì bị cáo thương chị khó khăn.
Vụ án khiến người viết nhớ tới phiên tòa sơ thẩm đã xét xử hồi đầu năm. Bị cáo N.H.L, sinh viên năm cuối của một trường đại học, từng là tấm gương vượt khó học giỏi ở một xã thuộc TP. Cam Ranh. Nhà nghèo, đông anh em, L. phải vừa học vừa làm thêm lo cho bản thân và đóng học phí. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, L. bị mất việc. Không có tiền trang trải, L. nhắm mắt vay tiền lãi suất cao. Đến khi không trả nổi, bị đối tượng xã hội đen truy đòi gắt gao, uy hiếp tính mạng, L. chạy xe trên đường, giật giỏ xách của một phụ nữ.…
Giá như không phải vay với lãi suất cắt cổ, có lẽ bị hại đã sớm trả hết nợ, bị cáo T. cũng không vì sức ép gánh nợ mà phạm tội; bị cáo L. cũng không phải trả giá bằng 3 năm tù về tội cướp giật tài sản trong khi việc học đã gần xong. Những trường hợp trên là lời cảnh tỉnh thực tế cho những ai dính vào “tín dụng đen” và vi phạm pháp luật.
TAM THUẬT