10:09, 27/09/2019

Đường gần, đường xa

Vụ án cướp giật tài sản do 2 anh lái xe thồ (cùng trú Nha Trang) thực hiện thoạt đầu không thu hút sự quan tâm của người dự. Tuy nhiên, những lý lẽ mà 2 bị cáo đưa ra, đặc biệt là N.X.T (sinh năm 1973) đã khiến người dự phải chú ý.

Vụ án cướp giật tài sản do 2 anh lái xe thồ (cùng trú Nha Trang) thực hiện thoạt đầu không thu hút sự quan tâm của người dự. Tuy nhiên, những lý lẽ mà 2 bị cáo đưa ra, đặc biệt là N.X.T (sinh năm 1973) đã khiến người dự phải chú ý.


T. khai nhận, đêm đó, khi T. cùng bị cáo T.T.N (sinh năm 1976) chạy xe trên đường thì phát hiện một du khách nước ngoài say rượu đang đi bộ trên vỉa hè đường Trần Phú. Cả hai tới chào mời và người này đồng ý đi xe của T. Khi T. dừng xe cho khách xuống thì người này loạng choạng ngã xuống đường, để lộ một sợi dây chuyền (trị giá hơn 4,4 triệu đồng) đeo trên cổ. Lúc đó, T. mới nảy sinh ý định chiếm đoạt.


Nhưng những câu trả lời tiếp đó lại khiến người dự khó tin bị cáo không có ý định xấu từ trước. Để chở người khách từ khu vực khách sạn Mường Thanh sang khách sạn ở đường Dã Tượng, T. đã chọn đi lối hẻm 86 Trần Phú. T. không do dự trả lời vanh vách thứ tự quẹo, rẽ khi đi theo lối hẻm; đồng thời xác nhận bản thân sinh ra và sống tại Nha Trang. Chủ tọa căn vặn: Không người dân địa phương nào lại chọn cách đi như vậy, bởi nó xa hơn nhiều. Với người lái xe thồ, lại là dân địa phương, điều đó càng vô lý. Nhưng bị cáo T. vẫn nhất mực khẳng định lối đó đi gần hơn!


Bị cáo N. cũng “lý luận”, sau khi du khách đồng ý đi xe của T., bị cáo chỉ đi theo... chẳng để làm gì! Bị cáo có thấy người khách say rượu ngã ra, nhưng chỉ đứng cạnh trông xe, không cảnh giới cho T. thực hiện tội phạm. Sau khi người khách hoảng hốt bỏ chạy, để lại chiếc ba lô, bị cáo mở ba lô ra chỉ để... xem! Bị cáo mới quen T. Cả hai không bàn bạc trước. Bị cáo chạy xe thồ được 1 năm rưỡi, thường chở dân địa phương, thi thoảng mới chở khách du lịch. Dân địa phương thường đi xe từ khoảng 18 giờ đến 2 giờ sáng.


Nhưng rồi N. đã cúi đầu im lặng khi tòa công bố lời khai tại cơ quan điều tra. Lúc đó, N. khai vì nghĩ muốn được chia tiền thì phải giúp sức, nên đã đứng cảnh giới cho N. giật dây chuyền của khách. Khi sợi dây văng ra, chính N. đã nhặt lên, đồng thời còn lục chiếc ba lô mà người khách bỏ lại, lấy hơn 1,5 triệu đồng, còn lại vứt bỏ vào thùng rác. N. không lý giải được vì sao thấy người khách chọn đi xe của T. mà còn kiên trì theo sát từ khi xuất phát tới điểm dừng thực hiện tội phạm. Bị cáo cũng im lặng khi thẩm phán phân tích, 18 giờ đến 2 giờ sáng không phải khoảng thời gian mà dân địa phương hay đi lại; nó chỉ đúng với khách du lịch. Điều đó cho thấy, các bị cáo thường xuyên chở khách du lịch và biết rõ thói quen thức khuya của họ.


Giả sử chuyện xảy ra vào ban ngày, có thể tạm cho là bị cáo T. chọn lối đi xa hơn nhằm tính tiền công chở khách cao hơn chút ít. Nhưng chủ tọa cho biết, đường hẻm mà các bị cáo đã đi xấu hơn rất nhiều so với đường Trần Phú. Thật không có lý khi chọn lối đi xấu hơn, xa hơn để chở khách vào lúc 3 giờ sáng! Tuy cả hai không bàn với nhau bằng lời, nhưng việc N. kiên trì theo sau T. đi vào con hẻm giữa đêm mà T. không phản ứng, phải chăng vì cả hai đã hiểu ý nhau?


Thực tế là dù cãi chày cãi cối chọn đường gần, nhưng cả hai đã dẫn khách đi con đường xa hơn nhằm tìm cơ hội chiếm đoạt. Cũng có nghĩa là cả hai đã tự chọn cho mình đường đời xa hơn khi “rẽ trái” vào tù, gác lại cuộc sống tự do mưu sinh trong 1 năm tới. Thật đáng tiếc!


TAM THUẬT