10:07, 26/07/2019

Tình… nhạt

Không còn giận dữ nổi xung như lúc bắt gặp vợ ngồi với bị hại, trước tòa, bị cáo P.T.C (sinh năm 1981, trú Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) bình tĩnh khai: Thời gian làm thuê cho chủ thầu, C. phát hiện vợ mình và ông chủ nảy sinh tình ý. C. đã nhiều lần thấy họ đi uống nước cùng nhau nhưng không đủ bằng chứng. Trưa đó, C. tỉnh dậy, thấy vắng cả vợ và bị hại. Đi tìm, C. phát hiện cả hai đang ngồi âu yếm nhau bên kè đá vắng vẻ. Không kiềm chế được, C. lấy cây gỗ, phang thẳng xuống đầu bị hại…

Không còn giận dữ nổi xung như lúc bắt gặp vợ ngồi với bị hại, trước tòa, bị cáo P.T.C (sinh năm 1981, trú Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) bình tĩnh khai: Thời gian làm thuê cho chủ thầu, C. phát hiện vợ mình và ông chủ nảy sinh tình ý. C. đã nhiều lần thấy họ đi uống nước cùng nhau nhưng không đủ bằng chứng. Trưa đó, C. tỉnh dậy, thấy vắng cả vợ và bị hại. Đi tìm, C. phát hiện cả hai đang ngồi âu yếm nhau bên kè đá vắng vẻ. Không kiềm chế được, C. lấy cây gỗ, phang thẳng xuống đầu bị hại…


Nhưng vợ bị cáo khẳng định không có tình cảm với bị hại; vợ chồng chị vẫn yên ấm. Đó là lần đầu tiên bị hại rủ chị đi uống nước mía. Chị nhận lời vì nể bạn bè! Uống nước xong, khi về, bị hại rủ ra bờ kè chơi, chị không muốn nhưng bị hại chạy xe nhanh quá, chị không dám nhảy xuống. Lúc chồng chị thấy cảnh ôm hôn, thực tế chị đang cố thoát ra… Mỗi câu phủ nhận của chị đều nhận lại những tiếng dè bỉu khó chịu cùng ánh nhìn hằn học của nhà bị hại.


Căng thẳng nhất là khi gia đình bị hại yêu cầu bồi thường. Người vợ cũ, giám hộ cho 2 con chưa thành niên, đòi bồi thường tổn thất tinh thần ở mức tối đa và cấp dưỡng cho 2 con 7,5 triệu đồng/tháng. Con gái chị cũng rành rọt kê từng khoản chi hàng tháng của cháu. Người con trai đầu cũng bổ sung yêu cầu cấp dưỡng 12 triệu đồng đối với 4 tháng còn lại trước khi thành niên.


Tuy vậy, tất cả vẫn chưa ổn thỏa. Mẹ bị hại bức xúc đòi tòa tuyên giao tiền bồi thường, cấp dưỡng cho bà, bởi sau khi vợ chồng bị hại ly hôn, vợ cũ lấy chồng mới, bà mới là người trực tiếp nuôi 2 cháu nhỏ. Nghe tòa giải thích pháp luật quy định cha mẹ có trách nhiệm nuôi con, bà có thể trả cháu cho mẹ nuôi, bà la lớn: “Tòa giao tiền cho mẹ chúng, tôi lấy gì nuôi chúng? Từ khi cha chúng chết, bên bị cáo chẳng hề sang xin lỗi, bồi thường; giờ pháp luật cũng không quan tâm đến tôi…”. Nghe tòa yêu cầu cảnh sát dẫn bà ra ngoài, bà lập tức nằm lăn ra đất, la lối xin chết.


Còn anh trai bị hại, sau khi yêu cầu trả những khoản đã bỏ ra, anh còn xin hộ: “Ngoài người vợ đã ly hôn và 3 con, em tôi còn vợ hai, mới sinh con được 7 tháng nhưng nhà bị cáo cũng chưa hỗ trợ gì. Đề nghị tòa xem xét cho mẹ con cô ấy”. Vội vàng ẵm con ra, chị “vợ hai” nói tuy chị không đăng ký kết hôn nhưng thực tế đã lấy bị hại từ năm 2011. Cháu bé mới sinh là con anh nên đề nghị cấp dưỡng cả con chị.


Phòng xử ào lên xôn xao và chỉ ngưng khi tòa phân tích: Bị hại ly hôn năm 2015, chị lại nói sống chung từ năm 2011, vậy là chị vi phạm chế độ một vợ một chồng! Trong giới hạn vụ án này, giấy khai sinh của cháu không có tên cha, chị cũng không thực hiện giám định ADN cho con. Do đó, tòa không thể giải quyết quyền lợi cho con chị.


Một người đã chết, một người vào tù; hệ quả đó có thể gây ra cú sốc tâm lý. Nhưng có lẽ, do mải tranh đấu  quyền lợi, những người thân của họ đã không biểu lộ rõ tình cảm thương tiếc hay lo lắng. Về phía nhà bị hại, có thể cách sống của bị hại đã khiến 3 người phụ nữ bất đắc dĩ phải lo toan tính. Phía nhà bị cáo, người vợ cũng chẳng ân cần gì với chồng lúc chờ nghị án. Không ai kết luận hai người có tình ý, nhưng chuyện chị ngồi chơi cùng bị hại khiến bị cáo ghen tuông, dẫn tới án mạng là sự thật. Chối bỏ có tình ý, nhưng chị lại im lặng trước các câu hỏi của tòa: Sao không nhận thấy đi một mình với đàn ông đến nơi vắng vẻ là không an toàn? Sao không cùng chồng hoặc bạn bè đi chơi với bị hại để tránh tạo nghi ngờ cho chồng? Khi bị hại đã dừng xe, sao không bỏ về mà tiếp tục cùng bị hại ra bờ kè?...


Có lẽ nào, phiên tòa cho thấy những cuộc tình… nhạt?


TAM THUẬT