11:07, 19/07/2019

Đòi nợ bất chấp

Tới tận phiên phúc thẩm, bị cáo N.T.M.A (sinh năm - SN 1967, trú huyện Cam Lâm) vẫn một mực cho rằng mình chỉ đi đòi nợ, không cướp của. 2 bị cáo đồng phạm có kháng cáo là N.Q.T (sinh năm 1987, trú huyện Cam Lâm) và N.H.P (sinh năm 1986, trú TP. Cam Ranh) cũng thanh minh chỉ đòi nợ giùm.

Tới tận phiên phúc thẩm, bị cáo N.T.M.A (sinh năm - SN 1967, trú huyện Cam Lâm) vẫn một mực cho rằng mình chỉ đi đòi nợ, không cướp của. 2 bị cáo đồng phạm có kháng cáo là N.Q.T (SN 1987, trú huyện Cam Lâm) và N.H.P (SN 1986, trú TP. Cam Ranh) cũng thanh minh chỉ đòi nợ giùm.


A. cho rằng ông H. và bà L. là vợ chồng do thấy hai người chung sống cùng. Thấy đòi nợ bà L. 16 triệu đồng mãi không được, A. quyết định chuyển sang đòi ông H. Sợ ông H. phản ứng, A. mới nhờ T. đi cùng; T. lại rủ thêm mấy thanh niên khác. Bị cáo khai chỉ nhờ T. đứng cùng, còn dặn có gì xô xát mới can ngăn giùm, cũng không nói T. gọi thêm người. A. nhờ họ chỉ có ý để ông H. thấy có nhiều người đến mà sợ rồi trả nợ. Nhưng lúc đó, sự việc diễn biến nhanh quá, xung quanh ồn ào, người dân xúm lại đông nên các bị cáo phải mời bị hại lên xe. Thực sự A. không nhìn thấy mấy bị cáo cầm dao, rựa, roi điện. Lúc lên xe, A. đi trước, các thanh niên cùng ông H. đi xe sau. Bị cáo không rõ nhóm thanh niên đã uy hiếp ông H. thế nào. “16 triệu đồng, với người khác có thể không nhiều, nhưng bị cáo vốn chỉ là người buôn xoài nhỏ, nên số nợ đó thực sự là số tiền lớn. Nói bị cáo cướp, tội cho bị cáo lắm!”, A. rầu rĩ nói.


Nhưng chủ tọa đã công bố lời khai cho thấy, A. bàn với cả nhóm sẽ tới gặp ông H. trước, nếu xô xát, cả nhóm tới can thiệp, hù dọa cho ông H. sợ mà trả tiền. Lúc này, A. lại thanh minh, sự thật như bị cáo khai tại tòa, còn nội dung biên bản, do chữ viết của cán bộ điều tra khó đọc nên A. ký đại, không đọc. Nhưng T. và các bị cáo khác cũng thừa nhận, khi ngồi ở quán nước, A. đã nói với T. bằng giá nào cũng phải bắt ông H. trả nợ, nếu để ông rời khỏi Khánh Hòa thì không đòi được. A.  còn nhờ T. kiếm thêm vài người giúp, đòi được thì cho tiền. Và không phải A. tình cờ nhờ T. Bản thân A. biết rõ T. từng vào tù. Trong bản tự khai, bị cáo lý giải sợ bị hại hành hung nên phải kêu T.; mặc dù biết đòi được nợ phải trả công mà không đòi được nợ cũng phải trả công.


Còn với các đồng phạm, được “nhờ” đòi khoản nợ 16 triệu đồng, thực tế, mấy thanh niên đã ép bị hại phải giao nhiều hơn số nợ trên tới 6 triệu đồng, với lý do trả tiền nước uống, thuê xe. Nhưng T. cũng chỉ trả 500.000 đồng tiền thuê xe rồi cả nhóm đi ăn uống, chỉ giao lại cho A. 7,5 triệu đồng cùng lời thanh minh “nhẹ nhàng”: “Con lỡ chi thâm, còn lại trả sau”.


Đã có người thương cảm, cho rằng A. cũng đáng thương, do ức chế không đòi được nợ, nhờ tới pháp luật thì khoản nợ đó không bõ bèn gì mà lại nhiêu khê, kéo dài, nên mới dùng “biện pháp mạnh”. Tất nhiên, “đồng tiền đi liền khúc ruột”, tâm lý xót của là có thật. Nhưng đòi nợ theo kiểu bất chấp như A. không thể không phải trả giá. Thực tế, A. chỉ nhận lại chưa được 1/2 số tiền nợ, trong khi phải chấp hành tới 6 năm tù. Thật đáng tiếc!


TAM THUẬT