01:12, 12/12/2018

Thiếu trách nhiệm!

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo H.V.S (sinh năm 1993, trú Ninh Quang, Ninh Hòa) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ diễn ra trong bức xúc của đại diện hợp pháp người bị hại. Họ bức bối có lý do.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo H.V.S (sinh năm 1993, trú Ninh Quang, Ninh Hòa) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ diễn ra trong bức xúc của đại diện hợp pháp người bị hại. Họ bức bối có lý do.


Trình bày trước tòa, em của bị hại cho biết, gia đình họ kháng cáo chủ yếu bởi uất ức trước thái độ ứng xử của phía gia đình bị cáo. Anh này nói: “Chúng tôi kháng cáo vì bị cáo không hề tỏ ra ăn năn. Anh tôi mất, vợ anh tôi phải vào Sài Gòn mưu sinh để nuôi con học đại học. Ở cấp sơ thẩm, bị cáo không xin lỗi. Cho tới trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo cũng không hề tới nhà xin lỗi, thắp cho anh tôi nén nhang. Tôi xin tăng nặng hình phạt để răn đe bị cáo, để bị cáo trở thành người tốt”.


Còn bị cáo S. nêu lý do: Bị hại bất ngờ lao ra từ đường luồn, bị cáo không thể xử lý kịp! Bị cáo không tới thắp nhang cho bị hại, không tới bồi thường vì ba bị cáo không cho đi. Bị cáo cũng đâu chạy xe nhanh, chỉ khoảng 50 - 60km/giờ. Hai bên thỏa thuận bồi thường hơn 159 triệu đồng, nhà bị cáo đã bồi thường 5 triệu đồng rồi. Cha bị cáo cũng nói thêm, gia đình ông khổ quá, đến giờ chưa bồi thường thêm được. Số tiền 5 triệu đồng gửi nhà bị hại đúng là ít ỏi, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên chẳng biết tính sao. Ông ngăn con ông sang xin lỗi, thắp nhang cho bị hại cũng chỉ vì sợ nhà bị hại bức xúc, quây đánh.


Vị đại diện Viện Kiểm sát nhắc nhở: Cơ quan chức năng đã xác định, bị cáo không có giấy phép lái xe mà vẫn điều khiển xe máy, tông vào bị hại đi cùng chiều, dẫn đến chết người. Biên bản khám nghiệm hiện trường xác định, nơi xảy ra tai nạn đường thẳng, mặt đường bằng phẳng, tầm nhìn xa tốt.


Em trai bị hại càng bức xúc: “Tôi gọi điện thoại nhiều lần nói bị cáo hãy tới nhà thắp nén nhang cho anh tôi, tôi đảm bảo không để bất cứ ai trong gia đình đụng tới bị cáo, nhưng bị cáo vẫn không đến. Giờ ra tòa, con đổ cho cha, cha đổ cho gia đình tôi! Ngay sau hôm xảy ra tai nạn, tôi gọi, mẹ bị cáo còn nói bị cáo vẫn say, chờ tỉnh rượu bà sẽ nhắc đi xin lỗi. Bà còn than, S. lên nhà anh nhậu say quá, anh bảo chở về thì S. không chịu, tự lái xe về nên mới gây ra chuyện. Bây giờ trước tòa, cha bị cáo còn nói 5 triệu đồng chỉ là tiền phụ thêm, rằng nhà khó khăn… Nhưng hôm tới đưa tiền, cha bị cáo không thắp hương, bỏ 5 triệu đồng vào thùng phúng điếu rồi tuyên bố con họ không sai, không sợ, và về luôn! Chúng tôi chưa hề đòi bồi thường ngay, trước sau chỉ cần S. tới xin lỗi, thắp nhang mà bị cáo không tới, cha bị cáo thì viện lý do sợ đánh. Thực tế con họ đã tới chưa, đã bị đánh chưa?”.


Vị chủ tọa nghiêm khắc nói với cha con bị cáo S: Cha và con đều suy nghĩ vô trách nhiệm! Là cha, khi con gây ra lỗi, cha càng phải dạy con đạo lý làm người! Gia đình người ta mất một mạng người do lỗi của bị cáo, vậy mà sang xin lỗi, cha bị cáo cũng không cho con đi, chỉ lo con bị đánh! Nếu lo ngại, tại sao không mời công an xã, chính quyền đi cùng? Nhận thức như vậy sao dạy được con thành người tốt?


Lãnh mức án 3 năm tù giam, không hiểu bị cáo có nhận ra, việc bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ có một phần nguyên nhân từ lối hành xử vô trách nhiệm với gia đình bị hại?


TAM THUẬT