08:01, 07/01/2017

Đừng bắt chước hành vi sai

Bị cáo N.T.T (sinh năm 1993, trú Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) đứng trước tòa với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhưng mọi người đều bất ngờ khi nghe T. tự thú về căn nguyên dẫn tới hành vi phạm tội.

Bị cáo N.T.T (sinh năm 1993, trú Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) đứng trước tòa với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhưng mọi người đều bất ngờ khi nghe T. tự thú về căn nguyên dẫn tới hành vi phạm tội.


Không hề chối cãi, T. thừa nhận đã tải trên mạng hình ảnh những chiếc xe máy “đẹp long lanh” và đăng trên trang facebook cá nhân, tự quảng cáo chuyên bán xe nhập khẩu không thuế hải quan với giá rẻ hơn thị trường. Chỉ trong hơn nửa năm, T. đã kết nối được với nhiều người có nhu cầu và chuyển tiền đặt cọc cho T. qua tài khoản ngân hàng, người thấp nhất 380.000 đồng, có người tới 10 - 15 triệu đồng. Tất nhiên, T. chẳng thể giao hàng vì không hề có hàng hóa. Tính ra, T. đã chiếm đoạt tổng cộng 61 triệu đồng.


Đáng nói nhất chính là lời tự thú của T.: Chính bị cáo đã từng bị lừa một lần cũng với thủ đoạn y hệt nên rất bực tức và quyết định phải làm tương tự!


Kiểm sát viên nghiêm khắc: “Đã từng bị lừa đặt cọc mua hàng qua mạng, lẽ ra bị cáo phải báo công an để ngăn chặn kẻ xấu, đằng này, bị cáo lại nhân rộng hành vi sai? Hoặc bị cáo chỉ cần đăng tải chi tiết về thủ đoạn đó trên facebook cá nhân cũng giúp cảnh báo nhiều người tránh được nguy cơ mất tiền oan. Nhưng bị cáo đã không chọn cả 2 cách này, mà lại bắt chước hành vi xấu, để ngày nay phải gánh chịu hậu quả!”.


Hội đồng xét xử cũng nhấn mạnh tình tiết, sau khi thực hiện một số vụ, T. từng bị cơ quan điều tra mời lên làm việc nên chắc chắn phải biết hành vi sai phạm của mình, vậy mà bị cáo vẫn thực hiện tiếp 4 vụ trong vòng 1 tháng sau đó!


Cúi thấp đầu, T. nói, đó là do bị cáo buồn chán, thiếu tiền. Bị cáo vốn làm bảo vệ ban đêm ở một trường mầm non, lương 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền đó chỉ đủ cho bị cáo đi uống cà phê, tiêu lặt vặt…


Nghe vậy, một vị trong hội đồng xét xử nói: Nếu lấy lý do thiếu tiền thì sau khi cải tạo, trở về địa phương, lại thiếu tiền, bị cáo có vi phạm pháp luật tiếp? Không thể đổ cho lý do thiếu tiền thì muốn làm gì cũng được! Chiếm đoạt 61 triệu đồng, bị cáo chỉ đưa lại 26 triệu đồng để cùng cha mẹ bồi thường toàn bộ cho người bị hại, còn 35 triệu đồng tiêu xài hết trong vòng 6 tháng. So với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng trước đây, tính ra, mỗi tháng bị cáo tiêu xài cá nhân gần 6 triệu đồng từ số tiền chiếm đoạt. Lấy lý do thiếu tiền để phạm pháp, đến khi bị tạm giam để cha mẹ phải đứng ra bồi thường thay, có thể thấy bị cáo rất thờ ơ với gia đình và chính bản thân mình! Nghe vậy, T. lí nhí: Từ nay về sau bị cáo không dám phụ lòng gia đình nữa, bị cáo sẽ cố gắng cải tạo để sớm trở về giúp đỡ gia đình phát triển.


Nhưng giá như T. nghĩ đến gia đình sớm hơn, không học theo hành vi sai trái, có lẽ bị cáo đã không phải hối hận.


TAM THUẬT