Trước tòa, bị cáo N.T.M.L (sinh năm 1982, trú Ninh Ích, Ninh Hòa) ấm ức khai, đã nhiều ngày liền, hễ bị cáo ra chợ là thấy chị N.T.S "nhìn đểu". Hôm đó, thấy chị S. nhìn với thái độ thách đố, không nhịn được, bị cáo nhặt cái chai phang lên đầu chị hàng xóm, gây thương tích 6%.
Trước tòa, bị cáo N.T.M.L (sinh năm 1982, trú Ninh Ích, Ninh Hòa) ấm ức khai, đã nhiều ngày liền, hễ bị cáo ra chợ là thấy chị N.T.S “nhìn đểu”. Hôm đó, thấy chị S. nhìn với thái độ thách đố, không nhịn được, bị cáo nhặt cái chai phang lên đầu chị hàng xóm, gây thương tích 6%.
L. khẳng định, không phải bị cáo tự tưởng tượng ra, cho rằng chị S. “nhìn đểu” mình. Chuyện có nguồn cơn từ trước đó. Cậu em nhà đó từng trộm đồ nhiều lần, một lần bị L. bắt được, gia đình còn tới năn nỉ bị cáo bỏ qua. Nể tình hàng xóm, bị cáo đã cho qua. Nhưng vài tháng trước khi xảy ra vụ án, bị mất điện thoại, họ lại đổ thừa cho L. Bị cáo đã nói không lấy nhưng họ vẫn rêu rao làng trên xóm dưới, còn ỷ có 2 chị em để đánh bị cáo. Sáng đó, khi bị cáo đi chợ, chị này còn nhìn tận mặt bị cáo mà cười! Bị cáo đã nhịn nhiều rồi, đến lần đó thì không nhịn được nữa. Sau đó, bị cáo nhận ra lỗi lầm, muốn bồi thường nhưng chị S. không nhận. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cũng mang sẵn 20 triệu đồng để bồi thường nhưng chị S. đòi phải đưa đủ một lần gần 34 triệu đồng mới nhận. Vì vậy, sau phiên xử, bị cáo đã lo đủ số tiền này và nộp cho cơ quan thi hành án Ninh Hòa.
Vị đại diện viện kiểm sát hỏi: “Ban đầu bị cáo có ý bồi thường nhưng do chưa đủ nên bị hại chưa nhận, vậy sau khi được tòa sơ thẩm ghi nhận sự tự thỏa thuận về mức bồi thường, bị cáo không mang tới đưa trực tiếp cho bị hại để thể hiện thành ý mà lại nộp cơ quan thi hành án?”. Bị cáo L. ấp úng: “Vì bị cáo sợ”.
Nghe vậy, bị hại được dịp trút giận: “Đúng là tiền cần thật, nhưng tôi cần lời ăn năn hối cải hơn. Sau phiên tòa sơ thẩm, tôi chờ đến nửa tháng mà chị ta không đến bồi thường. Từ hồi tôi vào viện tới giờ, chị ấy chỉ nói bồi thường chứ đã bao giờ thực sự đưa tiền đâu. Chị ta có nhờ người qua nhà cha mẹ tôi xin lỗi, cha mẹ tôi cũng nói “thôi, tha cho người ta”, nhưng người ấy không biết lỗi, làm sao tôi tha được! Tại sao xin lỗi mà không đến trực tiếp nhà tôi, lại nhờ người khác qua nhà bố mẹ tôi?”.
Vị thẩm phán ôn tồn phân tích: Lẽ thường, không ai có lỗi mà dám đến xin lỗi ngay. Họ sợ gia đình bị hại nóng giận nên phải nhờ người đánh tiếng trước. Tại sao cha mẹ bị hại đã nói nên tha lỗi mà bị hại vẫn không tha thứ? Chị S. vẫn bức xúc: “Hôm sơ thẩm, chị gái và chồng chị ta cũng khuyên xin lỗi tôi một tiếng nhưng chị ta phẩy tay nói “khỏi”! Mâu thuẫn giữa hai gia đình đã xảy ra 4 - 5 tháng trước nhưng chị ta còn nhớ dai. Vì mâu thuẫn này mà UBND xã đã mời hai gia đình lên hòa giải, yêu cầu viết giấy cam kết, người nào vi phạm phải chịu trách nhiệm. Chẳng qua, chị ấy nghe tin tôi sắp về nhà mới nên sinh ganh ghét! Phạm tội mà vẫn không ăn năn thì chịu 9 tháng tù là được rồi”.
Phiên tòa kết thúc với việc tòa chấp nhận cho bị cáo L. được hưởng 9 tháng tù treo do xét bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, đã bồi thường xong. Nhưng nhìn thái độ hằn học của hai bên khi ra về, thật khó tin họ đã ghi nhớ lời thẩm phán: “Là hàng xóm, rồi các chị còn gặp nhau thường xuyên, nên bỏ qua thì tốt hơn”.
TAM THUẬT