06:10, 19/10/2016

Ăn hiếp - trả thù

Đứng trước vành móng ngựa là 5 thanh niên trẻ, đa số ở tuổi 17 - 18, lớn nhất mới 20 tuổi, đều đen nhẻm, ốm nhom. Họ phải ra tòa bởi đã rủ nhau đi đánh trả thù một đàn anh cùng xóm ở xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, gây ra thương tích 8%.

Đứng trước vành móng ngựa là 5 thanh niên trẻ, đa số ở tuổi 17 - 18, lớn nhất mới 20 tuổi, đều đen nhẻm, ốm nhom. Họ phải ra tòa bởi đã rủ nhau đi đánh trả thù một đàn anh cùng xóm ở xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, gây ra thương tích 8%.


N.T.P (sinh năm - SN 1998) khai nhận, hôm đó, bị cáo và N.H.P (SN 1999) đang đứng chơi thì gặp anh T.H.T ở cùng xóm chạy xe ngang qua nên kêu anh này. Cho rằng T.P hỗn láo nên anh T. dừng xe, bước lại tát T.P rồi bỏ đi. Bị cáo thấy rất ấm ức, vì bị nói hỗn láo, bị đánh mà không kịp hỏi vì sao. Vì vậy, bị cáo và H.P kể cho T.A.B (SN 1998), L.N.N (SN 1996), V.T.L. (SN 1999) và rủ đi trả thù.


Bị cáo H.P cũng thành khẩn nhận tội, xin tòa xem xét cho 4 người bạn vì họ không biết bị cáo mang rựa theo để gây thương tích cho anh T. Được hỏi, H.P thêm, tuy lúc đó không bị anh T. đánh, nhưng thấy T.P bị tát cũng thấy rất tức, bởi trước đó bị cáo cũng nhiều lần bị anh T. đánh. “Trong xóm, anh T. thích đánh ai thì đánh”, H.P nói. Cũng vì anh T. ngạo ngược có tiếng nên thấy bạn bị tát, H.P đành nhịn vì nghĩ có 2 đứa, đánh không lại.


Bị cáo L. còn nói, tuy không biết H.P mang theo rựa nhưng cũng đồng tình việc H.P chém anh T., bởi cũng bức xúc với hành xử của anh này lâu nay.


Ngược lại, người bị hại cho rằng anh chỉ tát giỡn, không hề cố ý đánh T.P. Anh T. cũng phủ nhận lời khai của bị cáo T.P, cho biết sau khi tát giỡn, anh còn đứng lại nói chuyện chừng 10 phút, hỏi T.P đi đâu. Anh chỉ là người làm nông, hoàn toàn không biết vì sao bị mấy thanh niên cùng xóm đuổi đánh, chém; không có chuyện anh gặp đâu đánh đó như lời khai của các bị cáo. Anh không đề nghị cho các bị cáo được hưởng án treo, bởi họ chưa bồi thường đủ 20 triệu đồng như cấp sơ thẩm tuyên, hơn nữa, riêng tiền thuốc chữa trị đã mười mấy triệu đồng, dù bồi thường hết, anh cũng vẫn chịu thiệt.


Vị đại diện viện kiểm sát gay gắt: “Anh không thể nói không biết vì sao bị đánh. Quá trình điều tra đã thể hiện rõ hành vi phạm tội của các bị cáo có một phần lỗi của người bị hại. Cách hành xử của anh rất vô lý, không phải cứ cậy lớn hơn là muốn đánh ai thì đánh! Chính lối cư xử của anh đã khiến các bị cáo bị ức chế vì thường xuyên bị ăn hiếp. Về mặt đạo đức, anh cần xem lại mình. Trong tương lai không xa, nếu anh cứ cư xử không đúng mực thì sẽ còn những hậu quả khác xảy ra”. Một thẩm phán cũng nghiêm khắc nhắc nhở, nếu anh T. tiếp tục hiếp đáp người khác như vậy thì rất có thể một lúc nào đó, người bị ăn hiếp không kiềm chế được sẽ đáp trả, thậm chí đáp trả mạnh tay, có thể dẫn đến thương tích nặng hơn cho anh chứ không chỉ vài % như lần này, hoặc bản thân anh có thể trở thành bị cáo nếu hành vi đánh người đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Trật tự xã hội sẽ ra sao nếu toàn người tìm cách ăn hiếp và trả thù? “Họ phạm tội thì phải chịu tội, nhưng hãy nhìn xem, 5 thanh niên trẻ măng này vốn là những nông dân chất phác, ít hiểu biết, do thường xuyên bị ăn hiếp mà cư xử sai lầm và phải đứng trước vành móng ngựa. Tương lai của họ sẽ ra sao? Anh có nghĩ cho họ không?”, vị thẩm phán hỏi.


Chỉ đến lúc này, anh T. mới khẽ thừa nhận mình hành xử không đúng. Nhưng khi anh T. nhận ra điều này, cả 5 thanh niên đã phải lãnh án, người nhiều 1 năm tù, người ít 6 tháng tù treo, cùng với đó là nhiều cảnh nhà thêm nheo nhóc khi lao động duy nhất trong nhà phải vào tù.  


TAM THUẬT