Tận trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, hai cặp vợ chồng cùng thôn vẫn chưa thèm nhìn mặt, chào hỏi nhau. Nhưng khi phiên tòa bắt đầu, họ đều nói rất hăng như muốn trút hết nỗi ấm ức trong lòng, nỗi ấm ức vốn bắt nguồn từ vài lời qua lại.
Tận trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, hai cặp vợ chồng cùng thôn vẫn chưa thèm nhìn mặt, chào hỏi nhau. Nhưng khi phiên tòa bắt đầu, họ đều nói rất hăng như muốn trút hết nỗi ấm ức trong lòng, nỗi ấm ức vốn bắt nguồn từ vài lời qua lại.
Thừa nhận mình đã gây thương tích 10% cho ông hàng xóm, nhưng bị cáo V.B.NH. (sinh năm 1973, trú xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) cũng thanh minh, đó là do ông Đ.V.N. 2 lần xông vào nhà, còn chửi bới bị cáo. Vợ bị cáo NH. cũng thêm, khi ông N. tới nhà hỏi, thấy chồng chị không có ở nhà, ông ấy sừng sộ chửi bới, móc điện thoại ra gọi ai đó. Chị sợ quá vội gọi chồng về. Khi chồng chị vừa về, ông N. hỏi sao chọc vợ ổng, nói “sẽ biết tay tao” và quay về. Chừng nửa tiếng sau, vợ chồng ông N. cùng sang, đòi nợ 20.000 đồng rồi chửi bới. Ông N. rút cây bờ rào đánh, chồng chị né qua thì ông này lại nhào tới tiếp nên chồng chị mới lượm cây quật lại.
Vợ bị hại ấm ức: “Bị cáo khai không đúng, bị cáo có chọc ghẹo tôi. Khi vợ chồng tôi tới, cãi qua cãi lại một hồi, bị cáo nói “giờ mày muốn gì” và đánh liền”.
Nói như trút giận, ông N. cho biết, chẳng phải vô cớ ông tới nhà bị cáo NH. gây sự. Trước đó, ông đi ngang qua quán nước mía trong thôn, thấy vợ ông đang ngồi uống nước với bị cáo NH. nên ông gọi về và căn vặn. Vợ ông phân trần gặp NH. để đòi nợ 20.000 đồng nhưng NH. không trả tiền mà còn có lời chọc ghẹo. Bực tức vì chuyện này nên ông mới đến nhà NH. hỏi, từ đó dẫn tới xô xát. Ông bực vì bị cáo chọc ghẹo vợ ông. Ông đâu gây sự, chỉ vào nhà hỏi sao không trả nợ mà còn chọc ghẹo vợ ông. Cũng chính vì rất giận nên sau đó, khi bị cáo NH. tới nhà bồi thường 5 triệu đồng, ông không chịu, bảo tòa xử rồi tính. Giờ đây, bị cáo xin giảm mức bồi thường, ông không chịu. Ông làm thợ hồ, lương 250.000 đồng/ngày, vì gãy tay mà suốt 2 tháng không làm gì được, chưa kể tiền thuốc men, chấp nhận mức bồi thường 25.648.000 đồng như tòa sơ thẩm tuyên cũng là đã nhân nhượng. Cũng vì nể tình hàng xóm nên ông không yêu cầu gì về hình phạt, nhưng bồi thường thì nhất quyết không giảm được. Ông N. chỉ ngừng lại chốc lát trước câu hỏi: “Món nợ đó có đáng để hai vợ chồng tới tận nhà đòi và gây gổ không?” và ấp úng thừa nhận không đáng. Ông cũng thừa nhận nếu ông không xông vào nhà bị cáo căn vặn thì “làm sao bị thương được”.
Sau khi nghị án, tòa đã chấp nhận kháng cáo, cho bị cáo NH. hưởng 6 tháng tù treo và vẫn buộc bị cáo bồi thường cho người bị hại 25.648.000 đồng. Rời phòng xét xử, hai cặp vợ chồng đi hai hướng, không ai nhìn ai. Chợt nhớ lời khuyên trước đó của vị thẩm phán: Sau khi phiên tòa chấm dứt, bị cáo trở về sống tại địa phương. Khi đó, các bên lại ngày ngày giáp mặt nhau, trở thành hàng xóm của nhau, do đó, cần biết cách đối xử phù hợp hơn, đừng chấp nhặt, nóng nảy. Có như vậy, cuộc sống gia đình mới êm thấm, tình làng nghĩa xóm mới bền vững. Không hiểu hai đôi vợ chồng có nhớ không?
TAM THUẬT