07:09, 24/09/2016

Cuộc hôn nhân căng thẳng

Trong phiên phúc thẩm vụ án hôn nhân và gia đình, dù biện minh trước tòa gần 2 tiếng đồng hồ, cho rằng mình còn rất yêu thương vợ con, xin cho thời gian để hàn gắn, níu kéo tình cảm của vợ, nhưng anh Phương (*) không hề cho thấy nỗ lực hàn gắn, mà chỉ lo phân bua và đổ lỗi.

Trong phiên phúc thẩm vụ án hôn nhân và gia đình, dù biện minh trước tòa gần 2 tiếng đồng hồ, cho rằng mình còn rất yêu thương vợ con, xin cho thời gian để hàn gắn, níu kéo tình cảm của vợ, nhưng anh Phương (*) không hề cho thấy nỗ lực hàn gắn, mà chỉ lo phân bua và đổ lỗi.


Nhiều lần, anh Phương khẳng định chị Hải (*) - vợ anh bị chứng hoang tưởng, muốn cái gì phải được đáp ứng, nếu không có thể bị động kinh đến… sùi bọt mép! Dù vậy, anh rất chiều vợ. Tiền anh làm ra, vợ cứ xài thoải mái. Từ khi yêu nhau, anh đã biết thần kinh cô ấy không bình thường, nhưng chưa nặng như bây giờ, anh lại rất yêu cô ấy nên vẫn cưới. Thỉnh thoảng vợ anh nói đau đầu rồi phải đi khám thần kinh. Anh cũng đã nhiều lần đưa vợ đi khám bệnh, cả ở TP. Hồ Chí Minh, cả ở Nha Trang, nhưng anh không nhớ được tên bệnh viện nào, dù chỉ là một cái tên! Đơn thuốc kê cho vợ anh toàn là thuốc bổ thần kinh. Theo anh, vợ anh nằng nặc đòi ly hôn chỉ vì tuổi đời của cô ấy còn trẻ (27 tuổi) nên nông nổi, lại thêm bị hoang tưởng, thần kinh nên bức xúc, còn về… trình độ thấp không bàn đến! Ngoài ra, con trai 4 tuổi cũng rất cần anh chăm sóc, vì anh là giảng viên, có thể dạy cháu học. Anh không bao giờ đánh ai, đến con rận cũng không dám giết, con muỗi còn không dám đập! Còn vợ anh thường xuyên đánh đập con. Nếu phải ly hôn, anh không yêu cầu cấp dưỡng vì vợ anh đâu có công ăn việc làm gì…  

      
Trái với mô tả của anh Phương về một người vợ thần kinh “không bình thường”, chị Hải trình bày rất bình tĩnh, rõ ràng, cũng không tỏ ra bị kích động sau khi nghe chồng kể lể như thường thấy ở những người nhạy cảm về tâm lý. Chị bảo, đúng là chị quá bức xúc, nhưng chị không bị động kinh! Chị bức xúc vì không thể chịu đựng nổi cuộc sống chung với một người chồng gia trưởng, nói nhiều, bạo hành chị cả về tinh thần và thể xác. Chị có đến bệnh viện 3 lần, nhưng  để… khám thai định kỳ! Nghỉ sinh xong, chị đã đi dạy mầm non ổn định đến giờ. Cuộc sống vợ chồng chị bắt đầu rạn nứt từ khi chị sinh con. Anh Phương cấm cản không cho chị về bên ngoại thăm gia đình. Sau khi chị nhất quyết về thăm bên ngoại và trở về, anh đã nói những lời xúc phạm đến mẹ vợ. Có lần anh còn tát tai, đánh chị tới 4 lần, chảy cả máu mũi. Nhưng điều chị lo ngại hơn nữa là thấy cảnh cha đánh mẹ, con trai chị tới trường đã đánh một bạn gái y như vậy. Khi chị viết đơn ly hôn, chồng chị đã không cho con đi học cả tháng trời, nhốt trong nhà, nhưng lại đòi hiệu trưởng xác nhận cháu bị ốm nên không đi học được. Bà ngoại gặp cháu cũng chỉ cầm tay qua song cửa. Cả ngày anh cho con chơi điện thoại, Ipad, chị cản thì anh không nghe, còn kình cãi. Có hôm ba chị say xỉn, tới gọi cửa. Sợ ảnh hưởng đến không khí gia đình nên chị không dám mở. Vì vậy, ông tức giận chửi mắng. Lẽ ra chồng chị phải hiểu và thông cảm, nhưng anh lại tức giận, ra đôi co và lôi ông xềnh xệch về nhà ngoại. Sau đó anh còn bình phẩm ba chị và gia đình bên ngoại. Chị nhấn mạnh: “Có thể chửi mắng, đánh đập tôi nhưng không thể xúc phạm cha mẹ tôi. Hơn nữa, tôi không chấp nhận người chồng vũ phu!”. Theo chị, anh Phương không hề có hành động hàn gắn, bởi sau khi xử sơ thẩm, anh cũng chỉ tới thăm con, không hề nói chuyện với vợ. Phút chờ nghị án, chị Hải còn ấm ức kể thêm nhiều chuyện về cuộc sống gia đình ngột ngạt… 

 
Thực tế, khó biết được hết nguyên nhân, mâu thuẫn, nội tình gia đình. Nhưng điều khiến người dự khó chịu là anh Phương liên tục chen ngang lời vợ và cả lời hội đồng xét xử, lúc thì bảo nói vậy không đúng, khi thì thanh minh anh không bao giờ làm thế. Trước khi tòa nghị án, anh còn xin phép nói với vợ: “Em à, nhân quả vô thường, em muốn gì thì nói với tòa, nhưng phải nhớ có nghiệp chướng!”, rồi anh thanh minh: “Thấy vợ tôi làm gì sai, tôi đều ngăn cản, nhắc cô ấy “nghiệp chướng, nghiệp chướng đấy em”.


Vợ chồng phủ nhận nhau là chuyện thường trong các phiên xử ly hôn. Nhưng dự phiên xử, có cảm giác người chồng đã quên mất câu người xưa nói: “vợ chồng trọng nhau như khách”. Mưu cầu hàn gắn, nhưng cái cách hạ thấp, đổ lỗi cho người khác của anh Phương chỉ đẩy vợ ra xa mình, khiến cuộc sống chung không thể kéo dài. Đó cũng là một trong những lý do để tòa tuyên chấm dứt cuộc hôn nhân đó.    


TAM THUẬT

-------------------


(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.